Đọc thêm: Ngụy biện trong suy nghĩ (phần I)

  1. Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias)

Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias) ám chỉ xu hướng tìm kiếm các thông tin để khẳng định cho những suy nghĩ, niềm tin hiện tại đang có theo nhận thức thiên vị, đồng thời bỏ qua và đánh giá thấp những thông tin khiến chúng ta nghi ngờ niềm tin vốn có của mình. Chẳng hạn, A tin rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng. Sau đó, A chỉ tìm kiếm và đọc các câu chuyện liên quan đến bảo vệ môi trường, thay đổi khí hậu hay năng lượng thay thế. Kết quả, A tiếp tục xác nhận và củng cố thêm cho những gì mà anh ta tin.

Trong khi đó, B không tin rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng. Sau đó, B chỉ tìm kiếm và đọc các câu chuyện thảo luận rằng biến đổi khí hậu vẫn còn là một bí ẩn, tại sao các nhà khoa học mắc sai lầm và mọi người đang bị lừa như thế nào. Kết quả, B tiếp tục xác nhận và củng cố thêm cho những gì mà anh ta tin.

Việc hình thành một giả thuyết và sau đó kiểm tra bằng nhiều cách khác nhau để chứng minh nó là điều sai lầm là hành vi rất lạ lẫm với nhiều người. Thay vì như vậy, nhiều khả năng chúng ta đặt ra một giả thuyết, sau đó, giả sử nó đúng và chỉ tìm kiếm các thông tin để bảo vệ cho định kiến của mình. Đa phần không ai muốn những thông tin mới, họ muốn xác nhận thông tin họ đã biết mà thôi.

  1. Thành kiến sống sót (Survivor Bias)

Có một câu chuyện rất hay về Thành kiến sống sót như sau. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, nhà thống kê học Abraham Wald có nhiệm vụ thống kê những vị trí thường hay dễ bị tổn thương của máy bay ném bom, để quân đội có thể gia cố chúng, và các nhà khoa học khác đã đồng thuận là sẽ gia cố giáp ở những phần có nhiều chấm đỏ như bên dưới

Tuy nhiên Wald đã phản bác lại, và cho rằng cần phải gia cố những phần ít chấm đỏ nhất, vì những chiếc máy bay không thể quay trở về là những chiếc máy bay đã bị bắn vào phần ít chấm đỏ nhất.

Một ví dụ khác: “Richard Branson, Bill Gates và Mark Zuckerberg, tất cả đều bỏ học và trở thành tỷ phú! Bạn không cần đến trường để thành công. Các doanh nhân chỉ cần dừng việc lãng phí thời gian tại các lớp học và bắt đầu sự nghiệp sớm”.

Richard Branson thành công mặc dù đã chọn con đường đó chứ không phải thành công bởi vì đã chọn nó. Ngoại trừ Branson, Gates và Zuckerberg, có hàng ngàn người khởi nghiệp khác đã thất bại, tiền nợ ngân hàng chồng chất và bỏ dở những gì họ đang làm. Thành kiến sống sót không phải đơn thuần chỉ nói rằng một chiến lược có thể không phù hợp với bạn mà nó cũng nhấn mạnh tới việc chúng ta không thực sự hiểu rõ liệu chiến lược đó có phải lúc nào cũng mang đến hiệu quả.

Khi chỉ nghĩ đến những kẻ chiến thắng mà quên rằng vẫn còn có rất nhiều người thất bại thì thật khó để khẳng định một chiến lược nào đó chắc chắn sẽ dẫn tới thành công. (Và sẽ khó đưa ra được quyết định đúng nếu không để ý đến cái bẫy này.)

  1. Ngụy biện chi phí chìm (Sunk-cost Fallacy)

Đầu tiên, chúng ta phải tìm hiểu chi phí chìm (sunk cost) là gì. Trong ngành kinh tế, nó là các chi phí đã trả và không thể hồi phục lại được. Ví dụ như một công ty đầu tư hàng triệu USD vào trang thiết bị phần cứng máy chủ, số tiền này gọi là chi phí chìm vì nó không thể hồi phục lại được. Theo nguyên tắc về quyết định khi cân nhắc và so sánh chi phí, chi phí chìm có thể bỏ qua.

Một ví dụ khác, giả sử bạn đã mua vé đến một lễ hội, tuy nhiên đến ngày nó diễn ra, bạn bị sốt nặng, tuy nhiên bạn vẫn cố “lết” đến vì bạn nghĩ: “Vé mua mắc thế này rồi, không đi thì phí ra”.

Và thế là bạn đã ngụy biện cho chi phí chìm. Bạn đã bỏ tiền ra mua vé và không thể nào lấy lại được. Tuy nhiên nếu bạn đi đến đó với tình trạng sốt nặng, bạn sẽ không thể nào tận hưởng cuộc vui một cách trọn vẹn.

Như vậy, sự ngụy biện cho chi phí chìm được hiểu đơn giản là bạn tiếp tục làm một việc gì đó vì đã đầu tư quá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức vào đó, tuy nhiên việc làm này không phải là lựa chọn khôn ngoan nhất.

  1. Trải nghiệm có sẵn (Affect Heuristic)

Availability Heuristic có thể được hiểu là “trải nghiệm có sẵn” hoặc “cảm tính về sự sẵn có”. Tuy nhiên, điều này không quan trọng. Vấn đề ở đây là “lỗi tâm lý” này ám chỉ một sai lầm phổ biến do bộ não của chúng ta tạo ra: coi những thứ xuất hiện trong tâm trí một cách dễ dàng cũng là những thứ quan trọng nhất hoặc phổ biến nhất. Hay nói cách khác, chúng ta có xu hướng phán đoán về điều có khả năng xảy ra nhiều hơn dựa trên những ký ức dễ nhớ, sinh động và có ấn tượng mạnh.

Ví dụ, một người có thể tranh cãi rằng hút thuốc không phải là không lành mạnh dựa trên cơ sở là ông nội của anh ấy đã sống tới 100 tuổi và đã hút 3 gói thuốc một ngày, một lập luận phớt lờ khả năng ông nội của anh ấy là một trường hợp ngoại lệ.

Thêm nữa, một nghiên cứu được thực hiện bởi Steven Pinker tại Đại học Harvard cho thấy chúng ta hiện đang sống trong giai đoạn ít bạo lực nhất của lịch sử. Nhiều người đang được sống trong yên bình hơn trước đây. Tỷ lệ những kẻ giết người, tấn công tình dục, hãm hiếp và lạm dụng trẻ em nói chung có xu hướng giảm.

Đa phần mọi người đều cảm thấy choáng khi nghe những con số thống kê này. Một vài người không muốn tin chúng. Nếu có một thời điểm yên bình nhất trong lịch sử thì tại sao hiện nay lại có quá nhiều cuộc chiến tranh diễn ra đến vậy? Tại sao mỗi ngày chúng ta đều nghe đến những vụ hãm hiếp, giết người, tội phạm? Tại sao mọi người lại nói quá nhiều về những hành động hủy diệt và khủng bố?

Chào đón bạn đến với thế giới của những người quá tin vào “trải nghiệm sẵn có”!

Câu trả lời là chúng ta không chỉ đang sống trong thời kỳ yên bình nhất của lịch sử mà còn đang sống trong thời kỳ mà thông tin trở nên bùng nổ nhất trong lịch sử. Tin tức về các thảm họa hay tội phạm giờ đây quá thịnh hành. Chỉ cần một thao tác tìm kiếm nhanh trên Internet là bạn đã nhận được vô số thông tin về các cuộc tấn công khủng bố gần đây nhất hơn bất kỳ một tờ báo giấy nào có thể truyền tải cách đây 100 năm.

Phần trăm các sự kiện nguy hiểm xét về tổng thể có xu hướng giảm nhưng xét riêng từng loại nguy hiểm thì nhiều trong số đó lại có xu hướng tăng. Và bởi vì các sự kiện này sẽ đi vào tâm trí chúng ta một cách dễ dàng nên bộ não sẽ giả định rằng chúng xảy ra với tần suất lớn hơn so với thực tế.

Chúng ta đánh giá quá cao tác động của những thứ mà chúng ta có thể nhớ và đánh giá quá thấp sự phổ biến của những sự kiện mà chúng ta chưa nghe bao giờ.

III. Checklist

Bên dưới là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng để kiểm tra xem khi ra quyết định mình có rơi vào cái bẫy nào bên trên không ?

  1. Thiên kiến xác nhận
    • Những số liệu chúng ta tìm có thật sự là FACTS hay để phục vụ cho những sự xác nhận ý kiến?
    • Nếu phải tìm những số liệu để phản bác lại quyết định này, chúng ta sẽ có những số liệu nào?
  2. Thiên kiến trải nghiệm có sẵn
    • Nếu phải ra quyết định này thêm một lần nữa, chúng ta sẽ cần thêm thông tin nào? Chúng ta có thể tìm thấy nó ở đâu?
    • Chúng ta có thể lập checklists những dữ liệu cần thiết cho mỗi quyết định được không?
  3. Mỏ neo
    • Những con số được đưa ra này dựa vào đâu? Chúng ta có thể biết nguồn gốc của nó không ?
    • Những dữ liệu này được đưa ra để định hướng chúng ta vào một quyết định nào đó có phải không ?
    • Nếu sử dụng mô hình khác thì những số liệu này sẽ thay đổi như thế nào? Chúng ta có thể yêu cầu một mô hình phân tích mới không?
  4. Chi phí chìm
    • Chúng ta có đang bị ám ảnh bởi một trải nghiệm nào trong quá khứ không?
    • Nếu ở một vị trí khác thì những vấn đề chúng ta có thể thấy là gì?
  5. Thiên kiến sợ mất mát
    • Chúng ta có quá thận trọng không? Được và mất ở đây là gì?
    • Nếu không có rủi ro này thì chúng ta sẽ quyết định như thế nào? Nếu có rủi ro này thì phần trăm nhận thêm lợi nhuận là gì?

Dịch bởi: Nguyễn Hoàng Việt Khánh
Nguồn và tài liệu tham khảo