
Những ai theo dõi thông tin tài chính trong thời gian vừa qua, nhất là những bạn đang đầu tư chứng khoán, hẳn đã có những trải nghiệm roller-coaster trong năm 2020. Chứng khoán Mỹ liên tục phá kỷ lục về giá, để rồi tuột dốc không phanh từ ngày 21/2. Trong top 10 ngày mà chỉ số S&P 500 giảm điểm nhiều nhất trong lịch sử, có đến 5 ngày là trong khoảng thời gian này; trong đó ngày 9/3/2020 ghi nhận con số sụt giảm lớn nhất trong lịch sử. Những ai không đầu tư chứng khoán hẳn cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ việc đồng Yên tăng giá, đạt mức cao kỷ lục trong gần 4 năm qua kể từ Brexit năm 2016.
Trong bối cảnh coronavirus đang gây rất nhiều xáo trộn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, VPJ ra mắt series VPJ INSIGHTS với mong muốn chia sẻ cùng cộng đồng những góc nhìn của chính các thành viên VPJ về những sự kiện và biến đổi đang diễn ra hiện nay. Trong số đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên thế giới, và xem nó ảnh hưởng đến người đi làm ở Nhật như chúng ta thế nào nhé!
Nếu bạn đang đi làm tại Nhật và không sở hữu cổ phiếu, liệu việc cổ phiếu rớt giá có ảnh hưởng tới bạn không? Có lẽ một số người sẽ nghĩ là không. Tuy nhiên mọi chuyện không đơn giản như vậy. Hai ảnh hưởng trực tiếp dễ nhận thấy nhất đó là:
- Đồng Yên tăng giá
- Giá dầu thô sụt giảm khiến giá vé máy bay về thăm nhà cũng sẽ rẻ đi trong thời gian tới. Thêm nữa, khủng hoảng tài chính (financial crisis – 金融危機) có thể sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế (recession – 景気後退) và cái này thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bạn.
Ngày 9/3, đồng Yên tăng giá mạnh lên đến ngưỡng 1 USD~ 101 yên, là mức cao kỷ lục trong vòng gần 3.5 năm qua. Nếu bạn gửi 10 man về Việt Nam vào ngày 20/2, ở nhà sẽ nhận được khoảng 20.7 triệu. Còn nếu bạn gửi vào ngày 9/3 thì được tận 22.5 triệu, tức là được thêm đến hơn 8% số tiền bạn gửi! Vậy điều gì dẫn đến đồng yên tăng mạnh đến như vậy?
Đồng Yên được coi là safe haven asset (tài sản trú ẩn an toàn) và đặc biệt trong những thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhà đầu tư bán các sản phẩm tài chính rủi ro cao như cổ phiếu (stocks) để mua những sản phẩm tài chính ít rủi ro như trái phiếu chính phủ (government bonds – 国債). Với việc Nhật là nước có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới (public debt as % GDP) là ~224%, cao hơn cả Hy Lạp là nước đang trong tình trạng khủng hoảng nợ công (~180%), và nền kinh tế Nhật đang đi xuống do dân số già, chắc nhiều người tự hỏi liệu đồng Yên còn thực sự là safe haven asset trong lần khủng hoảng này hay không. Theo mình nghĩ là vẫn có.
Ngoài đồng Yên Nhật (JPY), đồng Franc Thuỵ Sỹ (CHF) cũng được coi là một safe haven asset. Đặc điểm chung của 2 nền kinh tế này là lãi suất vay tiền cực thấp, gần như bằng 0. Khi nền kinh tế thế giới phát triển tốt, các nhà đầu tư sẽ vay tiền từ các ngân hàng của Nhật hoặc Thuỵ Sỹ với lãi suất thấp để mua chứng khoán và các sản phẩm tài chính rủi ro khác ở những thị trường khác (Mỹ, Trung Quốc) để lấy lợi nhuận cao hơn. 30 năm qua kinh tế Nhật Bản phát triển chậm, các công ty trong nước và cá nhân không có nhu cầu vay vốn nhiều nên ngân hàng Nhật Bản cho vay các khoản vay rủi ro ở nước ngoài là điều không thể tránh khỏi. Khi thị trường gặp khủng hoảng, các nhà đầu tư này sẽ bán tống bán tháo chứng khoán và mua Yên để đóng các khoản vay (exit and lock in profit) khiến cho nhu cầu mua Yên lên cao đột biến khiến giá Yên tăng cao. Và có lẽ lần này đồng Yên sẽ còn tiếp tục lên nữa nếu chứng khoán thế giới không phục hồi.
Vậy đồng Yên tăng giá sẽ tác động tới cuộc sống của mình thế nào nhé?
Ảnh hưởng trước mắt lên những người đi làm ở Nhật, nhận lương bằng đồng Yên như chúng ta là tự nhiên chúng ta sẽ “giàu” hơn một ít. Đặc biệt là những bạn thường xuyên gửi tiền về Việt Nam để hỗ trợ gia đình, cùng một số tiền bạn gửi về sẽ có giá trị cao hơn. Những bạn nào thích đi du lịch nước ngoài cũng được hưởng lợi vì chi phí khách sạn, đi chơi hay ăn uống tại các nước khác sẽ trở nên “rẻ” đi.
Tuy nhiên ảnh hưởng lâu dài thì chưa hẳn đã là tích cực, đặc biệt đối với những bạn làm trong ngành sản xuất. Nền kinh tế Nhật dựa khá nhiều vào xuất khẩu nên đồng Yên tăng giá sẽ khiến mặt hàng xuất khẩu của Nhật đắt lên ở nước ngoài, mất tính cạnh tranh và sẽ khó bán hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn lên tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Khi doanh nghiệp làm ăn không tốt, các bạn cũng sẽ không được tăng lương, và có khi còn có nguy cơ mất việc nếu không phải nhân viên chính thức.
Thế chúng ta nên làm gì?
Nếu những bạn nào có một khoản tiết kiệm bằng tiền Yên, đây có lẽ là cơ hội để các bạn bắt đầu đầu tư để tích luỹ. Giá cổ phiếu giảm có thể là một cơ hội đầu tư tốt. Ngay cả khi các bạn không rành về thị trường chứng khoán, các bạn cũng có thể mua cổ phiếu của các ETF. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các lựa chọn đầu tư trong những số lần sau nhé!
Và cuối cùng đừng quên rửa tay thường xuyên nhé!