Ngày 12/7/2020, VPJ-Kansai đã kết hợp với Hội Thanh Niên và Sinh Viên Nhật Bản tại Osaka (VYSA-Osaka) tổ chức thành công sự kiện “Trí tuệ nhân tạo trong nghệ thuật kỹ thuật số – AI In Digital Art”. Buổi seminar này đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 1/3/2020, tuy nhiên vì diễn biến phức tạp của đại dịch COVID, sự kiện đã bị hoãn lại 4 tháng. Ở lần trở lại lần này vào ngày 12/7/2020, buổi seminar đã được tổ chức dưới hình thức online qua hệ thống phần mềm Zoom.

Các khách mời của webinar lần này gồm có:

  • Giáo sư Ryohei Nakatsu giáo sư thỉnh giảng tại “Academic Center for Computing and Media Studies” của đại học Kyoto
  • Anh Mai Công Hưng – hiện là nghiên cứu sinh toán học bậc tiến sĩ đại học Kyoto.

Thầy Ryohei Nakatsu hoàn thành các chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ngành kỹ thuật và công nghệ của đại học Kyoto vào các năm 1969, 1971 và 1982. Trong giai đoạn từ 1971 đến 1994, giáo sư Nakatsu làm việc tại các trung tâm nghiên cứu của NTT ở Musashino và Yokosuka. Chủ đề nghiên cứu chính của giáo sư trong giai đoạn này là về xử lý và ứng dụng tín hiệu âm thanh. Năm 1994, giáo sư Nakatsu chuyển sang nghiên cứu tại ATR (Advanced Telecommunications Research Institute) với tư cách là chủ tịch phòng nghiên cứu của ATR Media Integration & Communications Research Laboratories. Từ năm 2008 đến 2014, giáo sư công tác tại đại học quốc gia NUS của Singapore và đồng thời là giám đốc của Interactive & Digital Media Institute của NUS.

Trong suốt quá trình nghiên cứu của mình, giáo sư Nakatsu đã đạt được vô số thành tích, trong đó nổi bật như giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc từ Hiệp hội trí tuệ nhân tạo Nhật Bản năm 2000. Ngoài ra, giáo sư còn là thành viên của các tổ chức học thuật uy tín như Virtual Reality Society of Japan, IEEE, IEICE-J.

Với nguồn kiến thức rộng lớn trong hơn 50 năm nghiên cứu, giáo sư Nakatsu đã mang đến cho sự kiện lần này những cái nhìn mới mẻ về trí tuệ nhân tạo, mối tương quan giữa trí tuệ nhân tạo và sáng tạo nghệ thuật.

Ở phần đầu chương trình, giáo sư Nakatsu giới thiệu về cơ chế học tập của AI, quá trình học tập và sáng tác của AI trong các bức ảnh nghệ thuật. Tiếp theo đó, anh Mai Công Hưng trình bày những ví dụ về ứng dụng của AI trong các sáng tác theo nhiều phong cách khác nhau, ví dụ như Sound of Ikebana, tranh phương Đông, tranh Đông Hồ…

Phần sôi nổi nhất của sự kiện có lẽ là Group Discussion và Q&A. Các bạn tham gia được chia ra thành các nhóm nhỏ, thảo luận tự do về các vấn đề liên quan đến AI. Chủ đề thảo luận không chỉ gói gọn trong chủ đề của chương trình, mà còn mở rộng ra các nhiều các vấn đề AI khác mà chính người tham gia cảm nhận được trong cuộc sống hàng ngày.

Ở phần Q&A, có rất nhiều các câu hỏi được đưa ra từ các bạn tham gia. Một bạn đưa ra câu hỏi được giáo sư đánh giá khá hay: “AI có thể sẽ giúp người nghệ sĩ tiến được nhanh hơn đến mục đích của mình, đó là sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, liệu AI có cướp đi (hoặc thay thế) công việc của người họa sĩ hay không”. Giáo sư nhận định : “Có thể ở những lĩnh vực đặc thù nào đó, AI có thể hỗ trợ công sức rất nhiều hoặc thay thế hoàn toàn cho con người. Nhưng trong lĩnh vực nghệ thuật, đích đến cuối cùng là cái đẹp. Mà việc đánh giá cái đẹp là ở góc nhìn của con người chúng ta. AI trong tương lai có thể phát triển nhiều hơn nữa, nhưng sức sáng tạo của con người cũng có thể nói là vô hạn. Nên việc AI có thể thay thế hoàn toàn cho người họa sĩ trong tương lai hay không, câu trả lời luôn rất rộng mở.”

Sự kiện webinar lần đầu tiên được tổ chức bởi VPJ-Kansai và VYSA-Osaka đã khép lại thành công cùng với những phản hồi tốt đẹp từ phía các bạn tham gia. Xin cám ơn và hẹn gặp lại các bạn vào các sự kiện tiếp theo của VPJ.

Thông tin tổng quan về Webinar “TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRONG NGHỆ THUẬT KỸ THUẬT SỐ – AI in DIGITAL ART”

  • Thời gian: Ngày 12 tháng 7 năm 2021 (Chủ Nhật) 10:00~11:45
  • Mở đầu: Giới thiệu về cơ chế học tập của AI, những ví dụ về ứng dụng của AI trong sáng tác các bức ảnh nghệ thuật
  • Phần 1: Group Discussion
  • Phần 2: Giao lưu hỏi đáp
  • Kết thúc: tổng kết webinar và lời nhắn nhủ từ các khách mời
  • Hình thức:  online qua hệ thống phần mềm Zoom.
  • Đồng tổ chức sự kiện: Hội Thanh Niên và Sinh Viên Nhật Bản tại Osaka (VYSA-Osaka)