
Mới chỉ ba tuần trôi qua từ số VPJ INSIGHTS lần trước, khi chúng mình chia sẻ mối lo là khủng hoảng do coronavirus gây ra có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, thì Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã chính thức tuyên bố suy thoái kinh tế toàn cầu (global recession – 世界的景気後退) đã bắt đầu. Trong bài viết lần này, VPJ sẽ cùng phân tích về suy thoái kinh tế lần này và dự đoán những ảnh hưởng của nó lên cộng đồng người Việt đang làm việc tại Nhật.
🤔 SUY THOÁI KINH TẾ LÀ GÌ? 🤔
Suy thoái kinh tế là giai đoạn kinh tế tăng trưởng âm, thường đi kèm với sự gia tăng thất nghiệp, giá nhà đất giảm và thị trường chứng khoán tụt dốc. Theo thông lệ, khi tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại quốc gia (được gọi là Tổng sản phẩm quốc nội hoặc GDP) suy giảm liên tiếp hai quý trở lên thì sẽ được gọi là suy thoái kinh tế.
🤔 TẠI SAO CORONAVIRUS LẠI GÂY RA SUY THOÁI KINH TẾ? 🤔
Bước vào năm 2020, chúng ta chứng kiến giai đoạn phát triển kinh tế lịch sử, các nền kinh tế lớn đều khan hiếm lao động: ví dụ tỷ lệ công việc trên số người tìm việc tại Nhật (有効求人倍率) đạt mức cao nhất trong lịch sử, lên tới 1.96 ở Tokyo, tức là gần 1 nửa số công việc không tuyển được người. Tỷ lệ thất nghiệp (unemployment rate, 失業率) tại Mỹ ở mức 3.5%, mức thấp kỷ lục trong vòng 50 năm qua.
Tuy nhiên chỉ có hơn 1 tháng thôi chúng ta đã chứng kiến thế giới đảo lộn. Các chính phủ vẫn chưa thể đưa ra con số chính xác về quy mô thiệt hại kinh tế do coronavirus nhưng các con số thống kê sơ bộ khiến chúng ta sởn gai ốc: ngành du lịch và nhà hàng tại Nhật thống kê doanh thu tháng 3 giảm tới hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Tại Mỹ, trong 1 tuần vừa qua có 3.3 triệu người đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp, cao gấp 5 lần kỷ lục của khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Ảnh hưởng của coronavirus lên nền kinh tế có thể giải thích sơ lược như sau. Để ngăn chặn virus lây lan, các chính phủ buộc phải yêu cầu người dân hạn chế tối đa việc đi ra ngoài và tập trung đông người. Điều này khiến thay vì đi ăn, đi nhậu ở ngoài, người dân sẽ ở nhà nhiều hơn. Các nhà hàng ít khách hơn sẽ phải thu nhỏ quy mô, cắt giảm nhân viên part time, hoặc thậm chí phải tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên trong lúc đó các nhà hàng vẫn phải trả tiền thuê địa điểm và trả các khoản vay ngân hàng (nếu có) khi mở cửa kinh doanh. Khi doanh thu (revenue, 売上) bị mất và chi phí cố định (fixed cost, 固定費) như tiền thuê địa điểm v.v vẫn phải chi trả, thì đến khi hết vốn không thể tiếp tục trả các khoản nợ, nhà hàng buộc phải phá sản. Coronavirus đang tạo ra ảnh hưởng dây chuyền đến phần lớn các ngành nghề của nền kinh tế: người dân hạn chế ra ngoài khiến ngành bán lẻ bị ảnh hưởng, dẫn đến ngành sản xuất phải giảm sản lượng và cắt giảm nhân công v.v. Người lao động khi bị mất việc làm và mất nguồn thu nhập sẽ buộc phải giảm chi tiêu, sẽ ảnh hưởng ngược lại khiến các công ty mất doanh thu. Kết quả là vòng xoay tiêu cực này dẫn đến suy thoái kinh tế.
🤔 GIẢI PHÁP ĐỐI PHÓ VỚI SUY THOÁI KINH TẾ LÀ GÌ? 🤔
Các chính phủ đã học được những bài học từ suy thoái kinh tế năm 2008 và đã đưa ra những gói kích thích kinh tế khổng lồ. Chính phủ Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 2000 tỷ USD, tương đương với 10% GDP của Mỹ, với các khoản hỗ trợ lớn như sau: hỗ trợ tiền mặt 1200 USD mỗi cá nhân để thúc đẩy tiêu dùng; nâng mức hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp thêm 600USD/tuần trong vòng 4 tháng tới để hỗ trợ khẩn cấp những người lao động bị mất việc do coronavirus; lập quỹ 500 tỷ USD cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vay với điều kiện các doanh nghiệp này duy trì hợp đồng lao động với trên 90% số nhân viên hiện có.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang chuẩn bị gói kích thích kinh tế (stimulus package, 景気刺激策) và dự kiến sẽ công bố trong tuần sau. Nội dung gói kích thích kinh tế của Nhật Bản được dự đoán sẽ khá giống với Mỹ, xoay quanh 2 đối sách chính: cung cấp tiền mặt cho cá nhân để kích thích tiêu dùng, cho vay dài hạn không lãi suất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng để giảm số doanh nghiệp bị phá sản.
🤔 ẢNH HƯỞNG LÊN NỀN KINH TẾ NHẬT BẢN 🤔
Để hạn chế thiệt hại về người gây ra do virus, các chính phủ sẽ buộc duy trì các biện pháp hạn chế đi lại như hiện nay cho đến khi kiểm soát được dịch bệnh. Thời gian này càng kéo dài thì ảnh hưởng lên nền kinh tế càng lớn. Trung Quốc đã có những biện pháp mạnh tay đóng cửa các tâm dịch và kiểm soát được dịch bệnh trong vòng 6 tuần. Hàn Quốc sau khi tiến hành xét nghiệm trên diện rộng và phát hiện rất nhiều ca nhiễm bệnh thì đã có vẻ đã kiểm soát được dịch bệnh trong 2 tuần qua. Tình trạng của Châu Âu, đặc biệt là Ý và Tây Ban Nha thì ngày càng xấu đi.
Vậy tình hình sắp tới ở Nhật Bản sẽ ra sao? Có lẽ không ai biết được câu trả lời chính xác cả, nhưng chúng ta hãy cùng hy vọng là Nhật Bản sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh để ít nhất đưa được hoạt động kinh tế trong nước trở lại gần như cũ giống như Trung Quốc đã làm được.
Trong lịch sử 100 năm qua đã có nhiều lần các đại dịch gây ra suy thoái kinh tế, như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1917-1918, dịch cúm H2N2 năm 1958 hay gần đây là dịch SARS năm 2003. Các đại dịch này đều gây ra ảnh hưởng lớn lên kinh tế, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Sau khi dịch bệnh kết thúc, nền kinh tế lại quay trở lại đà phát triển như trước. Hy vọng lần này cũng không phải ngoại lệ. IMF cũng dự báo kinh tế thế giới sẽ hồi phục vào năm 2021. 😺
🤔 SUY THOÁI KINH TẾ ẢNH HƯỞNG LÊN CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO? 🤔
Người lao động ở Nhật có lẽ may mắn hơn nhiều quốc gia phát triển khác trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế này: các công ty Nhật thường không sa thải nhân viên khi kinh tế đi xuống giống như các công ty Mỹ. Ngoài ra, luật pháp Nhật yêu cầu công ty phải hỗ trợ người lao động nếu yêu cầu nghỉ làm do lý do của công ty (休業手当て) ở mức tương đương với 60% tiền lương, bao gồm cả khi công ty phải giảm nhân công do ảnh hưởng của coronavirus.
Tuy nhiên với tình hình kinh doanh được dự báo sẽ ảm đạm trong năm 2020, việc các công ty giảm bonus và không tăng lương trong năm nay hẳn là sẽ khó tránh khỏi. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ngưng hoàn toàn việc tuyển dụng đến khi có thể đánh giá được mức độ của suy thoái kinh tế lên tình hình kinh doanh, khiến cho các bạn muốn chuyển việc hoặc đi xin việc trong năm nay sẽ gặp những khó khăn nhất định.
🤔 VẬY CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ TRONG TÌNH HÌNH NÀY? 🤔
Mỗi cuộc khủng hoảng đều đem đến những sự thay đổi lớn trong xã hội. Uber và Airbnb là hai ví dụ đại diện của các công ty khởi nghiệp ra đời sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Vậy biết đâu cuộc khủng hoảng này cũng sẽ tạo ra những cơ hội cho chúng ta tại Nhật Bản?
Hoặc ít nhất, VPJ nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta cải thiện bản thân mình. Việc nhiều công ty cho làm việc tại nhà hẳn sẽ giúp các bạn tiết kiệm được trung bình 90 phút đi làm mỗi ngày. Chúng ta có thể dành thời gian này theo học các khóa học online để học thêm những kỹ năng mới, như học tiếng Anh, học kỹ năng Excel, học lập trình cơ bản v.v. Có rất nhiều các e-learning platform đang giảm giá hoặc miễn phí khoá học trong mùa COVID. Trong bài viết tới VPJ sẽ chia sẻ với các bạn một số khóa học online do cộng đồng VPJ tuyển chọn nhé! 📖💡
Và cuối cùng, đừng quên rửa tay thường xuyên nhé các bạn! 👏👏👏
Các bạn có thể nghe tại: https://soundcloud.com/vpj-524504972/vpj-insights-suy-thoai-kinh-te