
Từ nửa sau tháng 2/2020, nhiều công ty lớn tại Nhật bắt đầu yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà như một phần trong các biện pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Hơn một tháng từ thời điểm đó, tình hình dịch vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan, ngày 29/3 ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới đánh dấu mức cao kỷ lục mỗi ngày tại Nhật. Cùng với thời gian, bên cạnh nỗi lo về sức khỏe, những hậu quả khác của dịch bệnh ngày một hiện rõ, trong đó nổi bật là stress do những vấn đề nảy sinh khi làm việc tại nhà và quá tải thông tin về Covid-19.
Người Việt Nam tại Nhật, đặc biệt là nhân viên tại các công ty cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của vấn đề trên. Trong bài viết này VPJ tổng hợp và gửi đến bạn một số cách đơn giản nhằm hạn chế căng thẳng mùa dịch bệnh, đảm bảo cân bằng công việc và đời sống.
1/ GIỮ GIỜ GIẤC, THÓI QUEN SINH HOẠT: ĂN ĐỦ – NGỦ ĐỦ – VẬN ĐỘNG ĐỦ
🧐Làm việc tại nhà tức là không phải tốn vài ba tiếng di chuyển đến chỗ làm mỗi ngày. 8h30 dậy, chuẩn bị một chút, bật laptop lên là có thể vào làm việc ngay, thay vì tối hôm trước phải ngủ sớm để kịp chuyến tàu 7h sáng. Cũng đồng nghĩa với 30 phút dành cho một tập phim, một ván game trước khi đi ngủ dễ dàng kéo dài thành 1, 2 tiếng. Là người chuyên nghiệp, bạn vẫn có thể đảm bảo chất lượng công việc nhưng khó tránh khỏi uể oải, mệt mỏi.
Bạn cũng dễ ăn uống qua loa, bỏ bữa, ăn không đúng giờ do thay đổi lịch sinh hoạt. Đặc biệt anh chị em dễ bị ăn uống quá độ do stress, thích ăn vặt hay có thói quen vừa ăn vừa xem phim, lướt web dễ bị tăng cân mất kiểm soát. Telework và hạn chế đi lại cũng làm giảm hoạt động thể chất của dân văn phòng.
Vấn đề đầu tiên dễ mắc phải là thay đổi giờ giấc sinh hoạt làm ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần. Ta có thể giải quyết bằng cách nào?
👉Làm việc tại nhà vẫn cần chú ý giữ nhịp độ sinh hoạt như bình thường, không làm cú đêm – ngủ đúng giờ, đủ giấc, ăn đúng bữa. Không ăn vặt, không bỏ bữa sáng để giữ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Người ăn uống quá độ do stress có thể chuyển sang các loại trà thảo dược như trà hoa cúc. Pha trà, tĩnh tâm, hít thở sâu, thổi nguội và nhấp từng ngụm nhỏ, việc này giúp điều hòa hệ thần kinh thực vật, giảm kích thích ăn uống.
Bỏ thói quen xấu như vừa ăn vừa lướt tin, xem phim, cũng cần chú ý hạn chế bia rượu, chất kích thích.
Bạn hoàn toàn vẫn có thể đi bộ hay chạy bộ tại nơi không tập trung đông người, thoáng đãng. Vận động thể chất và ánh sáng mặt trời làm tăng chất dẫn truyền thần kinh serotonin giúp điều hòa hệ thần kinh, giảm stress.
Ngoài ra bạn còn có thể biết thêm về khu vực mình sống, phong cảnh xung quanh, tiếp xúc với thiên nhiên cây cỏ cũng tốt cho tâm trạng. Nhiều anh chị em cũng tích cực tập yoga hay thể dục tại nhà theo các app trên điện thoại, hiệu quả ra sao, anh chị em chia sẻ kinh nghiệm với mọi người tại comment nào!
2/ GIỚI HẠN NGUỒN TIN, THỜI LƯỢNG SỬ DỤNG INTERNET, MẠNG XÃ HỘI
🧐Là người Việt tại Nhật, bạn không chỉ quan tâm tình hình đất nước nơi mình đang sống mà tin tức cập nhật liên tục từ Việt Nam cũng rất được chú ý. Lượng thông tin quá lớn, nhiều khi mâu thuẫn, thật giả lẫn lộn đến từ quá nhiều nguồn theo đó làm sự lo lắng bất an ngày càng tăng lên.
Cảm thấy lo lắng là phản ứng tất yếu của con người nhằm bảo vệ bản thân, bất an không phải là điều xấu. Tuy nhiên để bị cuốn theo cơn bão thông tin về dịch bệnh mà mất tinh thần, lo âu thái quá ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống thì rõ ràng là không nên. Vậy giờ ta nên làm sao thì tốt?
👉Tránh bị ngợp thông tin rất quan trọng trong việc ngăn ngừa stress trong giai đoạn hiện nay. Đọc tin khi thấy nó hữu ích (tin tức mới, đáng tin cậy, ý kiến từ chuyên gia, v.v.) thay vì tốn thời gian cho những bài viết trôi nổi không rõ nguồn gốc hay từ các blogger, channel Youtube không thuộc giới chuyên môn, tin tức dạng này dễ làm nảy sinh cảm xúc tiêu cực. Dừng đọc khi thấy quá tải, tuy nhiên cũng không nên hoàn toàn phớt lờ thông tin về dịch bệnh đang diễn ra.
Chọn cho mình vài nguồn tin chính thống, đáng tin cậy, định ra khung giờ theo dõi tin tức mỗi ngày, (ví dụ sáng 7h30–8h xem TV cập nhật tình hình Nhật, tối 18h-18h30 lướt web để biết thông tin trong nước). Ngoài khung giờ này hãy “ngắt kết nối”, thời gian dư ra có thể dùng để làm những thứ bạn muốn nhưng chưa thực hiện được như đọc sách, tập đàn, học một ngôn ngữ mới, nấu ăn, chơi game v.v.
3/ DUY TRÌ GIAO TIẾP VỚI BẠN BÈ, NGƯỜI THÂN QUA ĐIỆN THOẠI, VIDEO CHAT
🧐Khuyến cáo hạn chế ra ngoài từ chính quyền và nỗi lo lây nhiễm khiến người ta hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác, điều này làm gia tăng cảm giác cô đơn, thiếu sự sẻ chia của xã hội hiện đại.
👉Tuy nhiên “giữ khoảng cách xã hội” không có nghĩa là ngừng giao tiếp với nhau. Hãy tận dụng các thiết bị công nghệ để điện thoại, nhắn tin, video call, v.v. liên hệ với người thân, bạn bè, những ai có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Stress có thể giảm bớt phần nào nhờ biểu hiện ra bên ngoài, vì vậy nếu thấy không ổn, đừng cố chịu đựng một mình mà hãy thử chia sẻ với người khác. Đã bao lâu rồi bạn chưa gọi về nhà, chưa tám với hội bạn? Hẳn người thân ở Việt Nam của chúng ta đang lo lắng với tình hình dịch bệnh tại Nhật cũng như trong nước, san sẻ nỗi bất an và truyền đi thông tin chính xác cho chính bạn bè, gia đình mình chính là đang góp sức chống dịch Covid-19, phải không bạn?
Giai đoạn hiện nay không phải là quãng thời gian dễ dàng với bất kỳ ai. Tuy nhiên hãy thử nhìn theo hướng tích cực, biến nó thành thời cơ hành động xem sao.
Thay vì cứ lo lắng, bối rối trong mớ cảm xúc tiêu cực, sao ta không bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo vấn đề mình đang mắc phải và giải quyết từng thứ một. “Thật sự mình đang lo lắng về điều gì?”, “Covid-19 có thật sự nghiêm trọng đến mức như vậy hay không?”, “Với tình trạng này mình có thể làm được gì?”, v.v. Hiểu rõ và chấp nhận vấn đề mình gặp phải cũng như giới hạn bản thân – những điều sức lực của riêng một người không thể thay đổi được, là rất cần thiết để có cho mình một tinh thần minh mẫn và bình an.
Đây cũng là cơ hội để ta nhìn lại và trân trọng niềm vui khi được đi lại, vận động tự do vốn tưởng như là điều hiển nhiên, có thời gian quý báu dành cho gia đình và bản thân, cũng là dịp để áp dụng những phương pháp mới như dạy học từ xa hay telework (trong một khảo sát gần đây 93,2% số người được hỏi nhìn nhận theo hướng tích cực và muốn đưa telework định kỳ vào thực tế).
Với những chia sẻ trên đây, VPJ hi vọng có thể chia sẻ đến bạn vài thông tin thực tiễn hữu ích, giúp mỗi chúng ta vượt qua giai đoạn hiện nay một cách lạc quan, hiệu quả. Ăn, ngủ, vận động điều độ, lắng nghe cơ thể, tập luyện, chia sẻ với người khác và giới hạn lượng thông tin mỗi ngày bạn nhé!
#VPJ #VPJInsights #coronavirus #giamstressmuadich #giamstress