Vào ngày 8/7/2018 (chủ nhật), tại Ritsumeikan Tokyo Campus, Vietnamese Professionals in Japan (VPJ) đã tổ chức sự kiện Diễn đàn Chia sẻ về phát triển sự nghiệp cho người Việt Nam tại Nhật Bản – Career Sharing lần thứ tư xoay quanh chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển sự nghiệp trong ngành Tài chính – Kế toán – Tư vấn”. Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp, diễn đàn tập trung chia sẻ thông tin về một nhóm ngành nhất định. Chương trình được hỗ trợ bởi đại học Ritsumeikan Tokyo, công ty Qunie và công ty SIGMAXYZ.

Những năm trở lại đây, số lượng người Việt sang Nhật học tập và làm việc tăng đột biến. Điều này mở ra cơ hội nhưng cũng đi kèm với thách thức về việc tồn tại và phát triển sự nghiệp tại đây. Là cộng đồng tập hợp những người Việt trẻ đang làm việc tại Nhật, Vietnamese Professionals in Japan (VPJ) đã được lắng nghe nhiều tâm sự của các bạn trí thức trẻ về những khó khăn gặp phải, những khúc mắc về công việc mà không biết hỏi ai để chia sẻ, tư vấn. Ví dụ như làm sao để khẳng định vị trí của mình trong môi trường làm việc toàn người Nhật, hay thời điểm nào thì nên chuyển hướng công việc hay chuyển việc để phát triển sự nghiệp.

Nhu cầu được gặp gỡ những người nhiều kinh nghiệm hơn để nhận được những lời khuyên quý báu là nhu cầu có thật nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ. Và đó là lý do VPJ tổ chức diễn đàn này, với mong muốn buổi networking giúp người Việt tại Nhật định hướng sự nghiệp và phát triển tại Nhật Bản. Mục đích cuối cùng là xây dựng cộng đồng người Việt vững mạnh.

Tại Diễn đàn Career Sharing 2018 này, VPJ đã mời đến các khách mời là 4 người Việt thành đạt trên 4 con đường sự nghiệp riêng: chị Nguyễn Thị Thảo, chị Nguyễn Việt Hà, chị Nguyễn Thu Hồng, anh Lê Nam. 

Mở đầu diễn đàn, chị Nguyễn Thị Thảo chia sẻ về chủ đề “FinTech và những ảnh hưởng đến ngành tài chính”. Chị đã đưa ra những góc nhìn cho thấy, với sự phát triển và ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin như blockchain hay trí tuệ nhân tạo, ngành tài chính đang đứng trước những thay đổi mang tính chất bước ngoặt trong lịch sử. Sự ứng dụng của kỹ thuật công nghệ đang dần thay thế các nghiệp vụ tài chính. Một ví dụ cụ thể đưa ra rằng, với sự phát triển của thanh toán điện tử, các công ty về thẻ thanh toán sẽ bị mất thị phần trong mảng thanh toán ở tương lai gần.

Với sự thay đổi như trên, chị Thảo cũng đưa ra những lời khuyên để khi công nghệ được chiếm ưu thế, người nhân viên không bị bỏ lại phía sau. Một trong số đó là việc phát triển những kỹ năng mà robot không dễ dàng thay đổi, như kỹ năng kết nối con người, kỹ năng sáng tạo xử lý, sắp xếp vấn đề, đưa ra những sáng kiến, phương pháp mới. Ngoài ra, chị cũng đưa ra lời khuyên nên tham gia vào quá trình thay đổi, như luôn nắm bắt thông tin, tích cực vận dụng đưa kỹ thuật mới vào công ty. Và một điều cũng không kém quan trọng, đó là việc đầu tư các kỹ năng ngoài chuyên môn, các mối quan hệ từ khi còn trẻ.

Tiếp theo chương trình, chị Nguyễn Việt Hà chia sẻ về các nguyên tắc cơ bản để thành công trong ngành tư vấn tại Nhật Bản. Chị Hà đã gắn bó cả thời sinh viên và bắt đầu sự nghiệp với “những con số” trong ngành tài chính, sau đó quyết định tự mình gây dựng công ty riêng – công ty Kennet – để theo đuổi ước mơ “mang niềm hạnh phúc đến cho mọi người”.

Chị chia sẻ việc thấu hiểu và hòa hợp về phong cách, văn hóa làm việc của công ty Nhật là một trong những chìa khóa của sự thành công. 

Phần hấp dẫn nhất của chương trình có lẽ là phần giao lưu hỏi đáp giữa khán giả và các khách mời. Thông qua các câu hỏi rất thực tế, các khách mời đã giúp khán giả, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường, có cái nhìn tổng quan hơn về lĩnh vực tài chính/ kế toán/ tư vấn.

Trong sự kiện VPJ đã nhận được 42,600 yên (tương đương 8 triệu 5 trăm ngàn đồng) – là số tiền mà người tham gia chương trình đã quyên góp để ủng hộ cho người dân Nhật Bản đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai lũ lụt và động đất vào tháng 9 năm 2016.

Chương trình đã kết thúc trong sự lưu luyến của BTC, khán giả và khách mời. Khán giả tham gia chương trình đã có nhiều phản hồi tích cực về những thông điệp chương trình mang lại, giúp mỗi cá nhân có thêm động lực và niềm tin cố gắng trong công việc. Hi vọng VPJ luôn cố gắng và phát huy nhiều hơn nữa để đem lại nhiều hoạt động bổ ích cho cộng đồng.

Livestream sự kiện:


GIỚI THIỆU KHÁCH MỜI

1. LÊ NAM – FINANCIAL DATA ANALYST AT MOODY’S JAPAN

Lê Nam là cựu sinh viên của trường Đại học Châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan (Ritsumeikan Asia Pacific University – APU). Trong bốn năm sau khi tốt nghiệp, anh Nam đã trải qua nhiều vị trí công việc tại ba đơn vị khác nhau: phòng Tài chính tại Ngân hàng Higo ở Kumamoto, phòng Tư vấn thuế tại Deloitte Tohmatsu Tax và hiện nay anh Nam đang làm việc trong phòng Phân tích dữ liệu tài chính tại Moody’s Japan.

Anh Nam cũng đã hoàn tất 3 kỳ thi của chứng chỉ quốc tế Certified Financial Analyst (CFA) và đang trong thời gian tích luỹ kinh nghiệm để trở thành CFA charterholder. Mặc dù có trong tay chứng chỉ “có giá trị cao” trong ngành này, nhưng anh Nam cũng chia sẻ: “Bằng cấp cũng quan trọng nhưng nó cũng là thách thức cho người có bằng cấp”!

2. NGUYỄN THỊ THU HỒNG – SENIOR AT DELOITTE TOUCHE TOHMATSU

Nguyễn Thị Thu Hồng hiện đang là chuyên viên tư vấn cấp cao tại Deloitte Touche Tohmatsu – một trong bốn công ty kiểm toán lớn trên thế giới. Trước đó, chị Thu Hồng cũng có hơn 2 năm làm việc tại Rakuten – tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng của Nhật Bản. Với xuất thân là cử nhân ngành kế toán và thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học Quốc lập Yokohama (YNU), cùng với kinh nghiệm thực tập tại các vị trí có liên quan từ khi còn là sinh viên, sau khi ra trường chị Thu Hồng vẫn tiếp tục phát triển sự nghiệp sát theo hướng chuyên ngành đã học.

Để đạt được kết quả như bây giờ là cả một quá trình nỗ lực học hỏi không ngừng nghỉ! Khi còn học đại học, chị Hồng là du học sinh học vượt cấp tobikyuu (飛び級) vào trường học cao học năm một khi đang hoàn thành năm cuối bằng cử nhân, và vinh dự nhận Giải thưởng luận văn thạc sĩ xuất sắc nhất khi tốt nghiệp. Khi làm việc toàn thời gian tại Rakuten, chị Thu Hồng cũng nỗ lực hết mình để có bằng kế toán công chứng Mỹ (US-CPA) chỉ trong một năm. Chuyển việc sang Deloitte Touche Tohmatsu, sự nỗ lực và tinh thần cầu tiến của chị Thu Hồng cũng được đánh giá cao, chị được thăng chức lên cấp bậc Senior chỉ sau một năm vào công ty.

Bên cạnh những thành tích đáng nể trong học tập và sự nghiệp, chị Thu Hồng cũng có những năm tháng sinh viên vô cùng năng động trên cương vị là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) năm 2012-2013.

3. NGUYỄN VIỆT HÀ – CEO at Kennet

Sang Nhật hơn 18 năm, tốt nghiệp đại học và cao học tại hai trường top trong nước: Đại học Kobe và Đại học quốc gia Yokohama, chị Việt Hà đã và đang góp sức cho nhiều dự án đầu tư từ Nhật vào Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Bên cạnh những bận rộn khi triển khai các dự án lớn, chị Việt Hà còn thường xuyên xuất hiện trên truyền hình và làm diễn giả chia sẻ nhiều nội dung bổ ích tại các trường đại học trong và ngoài nước như Đại học Sanno (産業能率大学), Đại học quốc gia Yokohama (横浜国立大学).

Gắn bó cả thời sinh viên và bắt đầu sự nghiệp với “những con số” trong ngành tài chính, rồi quyết định tự mình gây dựng công ty riêng – công ty Kennet – để theo đuổi ước mơ “mang niềm hạnh phúc đến cho mọi người”, là đôi điều khái quát về sự nghiệp của nữ doanh nhân thông minh, sắc sảo nhưng đầy chất “thơ” Nguyễn Việt Hà.

4. NGUYỄN THỊ THẢO – TEAM LEADER AT NATIONALE NEDERLANDEN LIFE INSURANCE

Có trong tay các chứng chỉ chuyên ngành như: Chuyên gia quản trị rủi ro quốc tế (FRM), Chuyên gia phân tích tài chính của Mỹ (CFA) và kinh nghiệm làm việc tại phòng Quản trị rủi ro với vị trí Financial Engineering (đánh giá các mô hình tính toán cho việc quản trị rủi ro), hiện chị là trưởng nhóm chiến lược đầu tư ở công ty bảo hiểm Nhân thọ nước ngoài Nationale Nederlanden Life Insurance tại Nhật, quản lí khối tài sản của công ty với trị giá khoảng 15 tỷ đô la.

Ngoài công việc, chị Thảo còn là một cá nhân tích cực trong việc đóng góp cho cộng đồng. Chị là đồng sáng lập của hai dự án: trường Việt ngữ Tokyo và nhóm dịch sách ehon Sakurakids với mong muốn gìn giữ tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam sinh ra tại Nhật và đem văn hoá Nhật Bản tới gần trẻ em ở Việt Nam hơn.