
Viet Tech Day là diễn đàn chia sẻ kiến thức lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Nhật trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin. Sau thành công của Viet Tech Day 2018, Viet Tech Day 2019 đã trở lại với nội dung chính thảo luận và chia sẻ kiến thức về Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ Blockchain, cùng với đó là các góc nhìn đa chiều về xu hướng công nghệ hiện nay, từ đó định hướng nên cơ hội phát triển về nghề nghiệp của những người Việt trẻ đam mê lĩnh vực còn rất mới mẻ này. Chương trình diễn ra vào ngày 27 tháng 7 năm 2019 tại Roppongi Hills Mori Tower, Tokyo, Nhật Bản, thu hút hơn 300 kỹ sư và cộng đồng người Việt quan tâm và tham dự.
Hẳn là chúng ta đã không còn xa lạ với hai cụm từ AI và Blockchain. AI, viết tắt của Artificial intelligence – trí thông minh nhân tạo, là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science), trong đó thông qua quá trình lập trình và cho máy tính “học” các hành động của con người, từ đó máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh mà trước đây người ta cho rằng chỉ con người mới có thể làm được. Còn blockchain là một công nghệ vô cùng mới mẻ, với việc áp dụng blockchain, thông tin sẽ được bảo vệ một cách an toàn tuyệt đối, chống lại việc gian lận hay thay đổi thông tin.
Không quá khi nói rằng AI và Blockchain chính là tương lai của con người. Máy móc ở tương lai sẽ ngày càng thông minh, ngày càng giống con người và con người sẽ dần tiến đến một thời đại văn minh mà ở đó máy móc sẽ là nhân tố chủ đạo. Một nền kinh tế dữ liệu mới chạy trên nền tảng blockchain sẽ là một nền tảng đáng tin cậy khi mà ở đó mọi thứ được công khai, minh bạch nhưng vẫn giữ bảo mật tuyệt đối. Nếu cả hai công nghệ có thể phát huy hết tiềm năng mà chúng đang có, chắc chắn đó sẽ là một tác động lâu dài đến không chỉ đời sống con người, mà còn góp phần lớn trong công cuộc thay đổi cơ cấu kinh tế, văn hoá, xã hội.
Nhận thấy tương lai thay đổi thế giới của AI và Blockchain, Viet Tech Day Tokyo 2019 đã tiến hành đưa kiến thức mới mẻ này tới gần hơn đối với những khán giả quan tâm, thông qua các bài phát biểu về định nghĩa, cũng như khái quát về sự phát triển của các công nghệ này trong bối cảnh hiện tại. Các ứng dụng thực tế của AI, Blockchain tại các tập đoàn lớn ở Việt Nam và Nhật Bản như Rakuten, VinAI cũng được các diễn giả đang trực tiếp vận hành hệ thống nêu lên, phần nào đã giúp những người yêu công nghệ có cái nhìn tổng quan hơn về mức độ phát triển và khả năng áp dụng thực tế của công nghệ tương lai này. Ngoài ra, vấn đề làm sao để bắt đầu sự nghiệp gắn liền với AI và Blockchain, bao gồm nghiên cứu và thực hành, cũng được các vị khách mời là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, đặc biệt là sự tham gia của các kỹ sư gốc Việt đang làm việc trong các tập đoàn công nghệ lớn của Nhật Bản đưa ra bàn luận, phân tích và chia sẻ.
TS Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo-VinAI Research (Công ty VinTech) chia sẻ: “Thị trường Việt Nam ngày càng thuận lợi hơn đối với các bạn trẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, cơ hội cho những người muốn tham gia nghiên cứu AI chưa nhiều, các sinh viên chưa có được định hướng và nhận được hướng dẫn đầy đủ để phát huy hết tiềm năng của mình. Chính vì vậy, tôi đã quyết định trở về để hợp tác cùng VinGroup xây dựng Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI, tập trung vào các dự án phát triển nhân tài tại Việt Nam. Khi bạn đã chứng minh được cho cả thế giới thấy được thành tựu của mình, thì không quan trọng bạn thực hiện điều đó ở đâu“.
Liên quan tới blockchain, diễn giả Lê Minh Toàn, Giám đốc chi nhánh công ty tin học BAP tại Nhật Bản cho rằng, blockchain không chỉ bó hẹp trong một ứng dụng của nó là cryptocurrency (tiền ảo) – mà chúng ta vẫn thường nhắc đến một đại diện là Bitcoin, với những ưu điểm bởi khả năng truyền tải dữ liệu bỏ qua đơn vị trung gian, tốc độ vận hành, tính minh bạch,… Blockchain hoàn toàn có khả năng trở thành một công nghệ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời gian gần. Trong khi đó diễn giả Đỗ Trí Quốc, kỹ sư phần mềm tại Google cho rằng blockchain là một ngành rất mới, và anh cũng đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ yêu công nghệ, rằng nếu các bạn có đam mê thì hãy nên thử sức.
Với chủ đề “Hướng nghiệp cho các kỹ sư và nhà nghiên cứu Việt Nam trong lĩnh vực AI” , Diễn giả Đào Thanh Bình – Data Scientist tại Rakuten (nhà bán lẻ e-commerce lớn nhất Nhật Bản) đã gợi ý các bạn sinh viên, cho dù chưa có kinh nghiệm về AI, Blockchain vẫn nên tham gia thực tập tại các công ty liên quan để vừa trau dồi kiến thức vừa học hỏi cách thức phát triển và môi trường làm việc tương lai. Đặc biệt, đối với một nhà bán lẻ, thì sự phối hợp giữa kỹ thuật công nghệ và dịch vụ người dùng là rất quan trọng.
Anh Nguyễn Vũ Thanh Tùng, kỹ sư phần mềm cao cấp tại công ty LINE (ứng dụng nhắn tin và gọi điện phổ biến nhất ở Nhật) khuyên các bạn trẻ, trước khi quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực AI, nên đặt mục tiêu rõ ràng bằng cách tự tìm tòi, tham gia các cộng đồng hoạt động AI, rồi tự xây dựng sản phẩm AI dù nhỏ nhất. Sau khi quá trình này kết thúc, có thể xác định rõ ràng liệu có thực muốn theo đuổi AI không.
Sự kiện được đồng tổ chức bởi Vietnamese Professionals in Japan (VPJ), Vietnam Japan AI Community” (VJAI), với sự hỗ trợ từ các đối tác là những công ty công nghệ lớn của Việt Nam và Nhật Bản như Bizreach, LINE, Mercari, Money Forward, viện nghiên cứu VinAI, BAP, VNEXT.
Thông tin tổng quan về chương trình Viet Tech Day Tokyo 2019
- Thời gian: Thứ 7 ngày 27 tháng 07 năm 2019
- Greeting & Sponsor speak : 13:30 ~ 14:00
- Presentation part 1 : 14:00 ~ 15:20
- Presentation part 2 : 15:30 ~ 16:10
- Panel discussion : 16:20 ~ 17:20
- Network party: 17:20 ~ 18:20
- Địa điểm: Roppongi Hills Mori Tower
Quý vị quan tâm có thể theo dõi video chương trình tại đây:
GIỚI THIỆU KHÁCH MỜI
1. ANH ĐÀO THANH BÌNH
Anh Bình theo học Đại học Công nghệ Tokyo từ năm 2002 và tốt nghiệp PhD với chuyên ngành Computer Security tại đây.
Năm 2011 anh Bình vào làm việc cho Rakuten Ichiba sau khi tốt nghiệp, chuyên trách thiết kế hệ thống, đảm nhiệm các dự án phát triển và vận hành dịch vụ hệ thống thanh toán của Rakuten Ichiba. Tuy nhiên, động lực trở thành một trong những người tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới tạo ra giá trị đột phá cho doanh nghiệp đã khiến anh đã chuyển sang làm ứng dụng các công nghệ mới nổi như IoT, AI vào năm 2015 và giúp anh đạt được những thành công nhất định. Trong đó, phải kể đến những thành tích trong suốt quá trình làm việc tại Rakuten, như:
・Rakuten Awards: nhận giải MVP (Most Valuable Person) sau 2 năm công tác và 8 giải thưởng dự án.
・Kỹ sư chính xây dựng và vận hành hệ thống giúp Rakuten Ichiba hiện thực hóa được chiến dịch Super Sales hằng quý bắt đầu từ năm 2013.
・Tiên phong trong việc xây dựng và áp dụng GPU platform cho các ứng dụng AI được phát triển từ bên trong Rakuten.
Đánh giá về xu hướng hiện nay, anh cho biết: việc để các công ty ứng dụng AI một cách hiệu quả trong dịch vụ của mình sẽ vẫn là con đường dài, nhất là đối với các công ty quy mô lớn như Rakuten, thì quy mô dữ liệu, hệ thống tính toán và phạm vi xử lý sẽ rất sâu rộng. Điều này sẽ đem lại nhiều cơ hội cho cả kĩ sư và các nhà nghiên cứu để cùng nghiên cứu ứng dụng và xây dựng những hệ thống nền tảng lớn và hiệu quả.
AI đang là một chủ đề vô cùng nóng trong thời đại ngày nay do tính đột phá ưu việt và đòi hỏi từ các kiến thức cốt lõi như Machine Learning (ML), Deep Learning (DL); kỹ năng lập trình, thiết kế hệ thống; cho tới UI/UX cho AI, Robotics v.v… Chính vì thế, anh Bình cũng cho rằng, mỗi người đều có cơ hội phát huy kiến thức và kinh nghiệm hiện có để khẳng định giá trị của bản thân trong những chuỗi giá trị đó; đồng thời cũng là trải nghiệm trau dồi thêm kiến thức mới.
2. ANH NGUYỄN TUẤN ĐỨC
Quý khán giả đã từng nghe về hai loại trí tuệ nhân tạo mới: trí tuệ nhân tạo cá nhân (Personal AI – P.A.I.)và trí tuệ nhân tạo đa thể thức (Multimodal AI) chưa? Hai chủ đề trên được nghiên cứu và phát triển bởi chính nhóm nghiên cứu của diễn giả Nguyễn Tuấn Đức sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về hai loại trí tuệ nhân tạo này. Trí tuệ nhân tạo cá nhân sẽ tạo ra hiện thân ảo của người sử dụng; Trí tuệ nhân tạo đa thể thức mô phỏng lại cách AI hợp nhất thông tin như con người để xử lý và đưa ra các quyết định với độ chính xác cao. Kết hợp Trí tuệ nhân tạo cá nhân và Trí tuệ nhân tạo đa thể thức sẽ cho ra nhiều ứng dụng AI mới và hữu ích.
Diễn giả Nguyễn Tuấn Đức (tiến sỹ ngành Khoa học và Công nghệ thông tin) hiện đang công tác tại AimeNext/Aimesoft/Alt Inc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đã có nhiều thành tựu và đạt được Giải xuất sắc tại Hội nghị toàn quốc Hội trí tuệ nhân tạo Nhật Bản năm 2010 (JSAI 2010 Conference Award) cho biết: “Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực thú vị và có nhiều ứng dụng thực tế trong thời gian gần đây. Tác giả muốn tạo ra một hướng đi mới trong công nghệ Trí tuệ nhân tạo, khác với các thuật toán và công nghệ mà các công ty lớn đang theo đuổi. Công nghệ Trí tuệ nhân tạo cá nhân và Trí tuệ nhân tạo đa thể thức chính là cách để giải quyết nhiều vấn đề mà các công ty lớn chưa để ý tới.”
Anh Nguyễn Tuấn Đức mong muốn gửi được thông điệp đến với các bạn trẻ rằng: ”Đối với các bạn theo đuổi nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, hãy nắm bắt được các thuật toán cơ bản, nền tảng của thống kê, toán học cho học máy, từ đó sẽ dễ dàng hiểu được các thuật toán học máy mới. Đối với các bạn có hứng thú ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, hãy đi thật nhiều triển lãm, tham gia các buổi nói chuyện và demo như buổi này và hãy mạnh dạn đề nghị doanh nghiệp, tổ chức đầu tư cho trí tuệ nhân tạo nếu các bạn cảm thấy AI có thể làm giảm chi phí, tăng hiệu quả đối với doanh nghiệp, tổ chức của bạn.”
3. ANH ĐỖ TRÍ QUỐC
Tốt nghiệp đại học Osaka, sau nhiều năm công tác với nhiều lĩnh vực khác nhau, anh nhận thấy rằng blockchain là một ngành công nghệ mới, tiềm năng, đồng thời đem lại cơ hội thu nhập hấp dẫn so với các ngành khác nên đã quyết định theo đuổi lĩnh vực này. Đến với chương trình, chúng ta sẽ được nghe những chia sẻ về:
・Giới thiệu khái quát về blockchain
・Những dự án anh đã tham gia tại Coincheck
・Góc nhìn cá nhân về Cryptocurrency (tiền ảo)
Thông qua đó anh Quốc cũng sẽ chia sẻ cách tham gia vào lĩnh vực mới mẻ này. Những lời khuyên về việc làm thế nào để có thể trở một software engineer tốt cũng sẽ được bật mí trong chương trình.
Khi được hỏi thông điệp mà anh Quốc muốn nhắn gửi tới những người mới nếu muốn tham gia vào lĩnh vực blockchain, anh Quốc chia sẻ: “Dù giai đoạn bong bóng đã qua đi, blockchain vẫn là một ngành rất mới, nếu các bạn có đam mê thì hãy nên thử sức. Lĩnh vực này không cần những kĩ năng quá đặc biệt, hãy nắm vững những kiến thức cơ bản của software engineer như network, security, cryptography… Theo kinh nghiệm cá nhân mình thì khả năng tự học là quan trọng nhất bởi hiện tại các tài liệu, các khóa học cho lĩnh vực này vẫn còn khá hạn chế. Một gợi ý cho các bạn muốn thử sức là hãy bắt đầu tìm hiểu từ tài liệu về bitcoin.”
Ngoài ra, đối với các bạn muốn làm về blockchain, cryptocurrency ở Nhật, anh Quốc có lời khuyên nên tìm hiểu kĩ về luật vì hiện tại ở Nhật vẫn còn khá ít công ty làm về lĩnh vực này, các vấn đề liên quan đến luật vẫn đang trong quá trình sửa đổi bởi Financial Services Agency (FSA) và Japan Virtual Currency Exchange Association (JVCEA). Mặc dù ICO, STO, IEO vẫn đang là xu hướng trên thị trường nhưng hiện tại ở Nhật vẫn chưa thực hiện được.
4. CHỊ PHẠM THANH THẢO
Đến Nhật năm 2003 theo học bổng Chính phủ MEXT, chị Thảo sau đó đã hoàn thành khóa học ngành học Giáo dục tiếng Nhật tại Tokyo University of Foreign Studies(東京外国語大学) trước khi theo đuổi chương trình Master ngành Khoa học máy tính (Computer Science) tại University of Electro-Communications (電気通信大学). Trong quá trình nghiên cứu tại trường Đại học, chị đã tham gia vào dự án hợp tác với Rakuten Travel sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên để phân tích dữ liệu đánh giá từ người dùng. Thành công của dự án đã đem lại cho chị hai bài báo, trong đó có một bài báo quốc tế ngay khi học Master; đồng thời là đòn bẩy giúp chị trở thành nhân viên chính thức của Rakuten với vai trò là nhà nghiên cứu tại Rakuten Institute of Technology ngay sau khi chị tốt nghiệp Master vào năm 2010 và Data Scientist tại bộ phận Big Data vào năm 2013.
Trước khi tiếp tục thử sức tại công ty Rootf Datum với vai trò Data Scientist Manager trong năm 2018, chị Thảo đã có khoảng thời gian ngắn làm cho Digital Garage. Khi được hỏi về lý do đến với Rootf Datum, chị cho biết: “Phân tích dữ liệu (data analysis) là một công việc yêu cầu không chỉ kiến thức về thông số dữ liệu mà còn cả sự hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh. Điều này đòi hỏi nỗ lực và thử thách to lớn; nhưng ngược lại, nó có khả năng làm thỏa mãn trí tò mò cũng như đem lại cảm giác mãn nguyện khi đạt được thành quả, ví dụ như khi những cố gắng cá nhân của bạn có ảnh hưởng trực tiếp tới thành công của một doanh nghiệp. Một trong những lý do khiến tôi tham gia vào dự án của Rootf・Datum đó là, ngoài những lý thuyết phổ thông về marketing, tôi muốn thử thách trong tài chính – một lĩnh vực luôn được đánh giá là có sức cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Ngoài ra, áp dụng những kiến thức được tích lũy trong suốt quá trình nghiên cứu và làm việc của mình để làm gia tăng giá trị các cơ quan tài chính cũng là một trong những động lực của tôi”.
Chị Thảo cho biết, cơ hội dành cho các bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực ML là rất lớn và hấp dẫn trong thời đại bùng nổ CNTT như hiện nay. Đến với Viet Tech Day 2019, chị hi vọng có thể đem lại những chia sẻ và cơ hội giao lưu với các bạn kỹ sư có hứng thú với AI nói chung là ML nói riêng, và cùng nhau xây dựng một cộng đồng kỹ sư Việt Nam trong ngành ML tại Nhật thật vững mạnh.
5. ANH LÊ MINH TOÀN
Anh Lê Minh Toàn là một trong những sinh viên xuất sắc Tốt nghiệp Kỹ sư tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện nay, anh đang giữ chức vụ Giám đốc chi nhánh Nhật Bản trực thuộc Công ty cổ phần tin học BAP hoạt động trong lĩnh vực phát triển ứng dụng cho iOS, Android, AI, Blockchain, website, và bản thân đã đạt được những thành tựu liên quan tới công nghệ Blockchain. Đó là: xây dựng hệ thống thanh toán trên Blockchain, thiết kế hệ thống điện lực bằng Hyperledger và tham gia tư vấn cho ngân hàng Mitsubishi UFJ trong việc thiết kế hệ thống phân phối digital content dựa trên nền tảng Blockchain.
Có một câu hỏi được anh Toàn đặt ra, đó là liệu Blockchain có phải chỉ là tiền ảo hay không? Blockchain thực sự chỉ là công nghệ đứng đằng sau sự thành công của các loại tiền ảo nói chung, điển hình là Bitcoin, như hiện nay. Thế nhưng, với những ưu điểm bởi khả năng truyền tải dữ liệu bỏ qua đơn vị trung gian, tốc độ vận hành, tính minh bạch v.v…, thì Blockchain hoàn toàn có khả năng trở thành một công nghệ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời gian gần. Ngay tại thời điểm giá Bitcoin đi xuống, các chuyên gia vẫn luôn tin tưởng vào tương lai của công nghệ Blockchain. Tạm quên đi tiền ảo, đứng dưới góc nhìn công nghệ thì Blockchain có thể ứng dụng trong những lĩnh vực nào và ứng dụng như thế nào cho hiệu quả, chính là những góc nhìn mà anh Toàn muốn chia sẻ tại chương trình.
Có một điểm chung giữa các khách mời của VTD 2019, ấy là sự đam mê công nghệ và quá trình tự học hỏi cho tới khi đạt được thành công nhất định hiện tại. Xuất thân là một full-stack web developer, anh Toàn đã bắt đầu tìm tòi về công nghệ ưu việt đứng đằng sau thành công của Bitcoin, là Blockchain. Quá trình học hỏi này bắt đầu từ những nghiên cứu cơ bản về các thuật ngữ như address, token, transaction cho đến việc tập viết một hợp đồng thông minh (smart contract) đầu tiên. Niềm yêu thích đối với Blockchain của anh cứ thế được nuôi lớn dần nhờ cơ hội tham gia dự án về xây dựng hệ thống thanh toán trên nền tảng Blockchain, và từ đó tìm hiểu sâu hơn về hyperledger cũng như cách thức xây dựng ứng dụng trên đó.
6. TIẾN SĨ BÙI HẢI HƯNG
Tốt nghiệp PhD chuyên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Curtin (Australia), hiện đang đảm nhiệm vị trí Viện trưởng VinAI Research kể từ ngày Viện được thành lập từ tháng 4/2019. Trước khi gia nhập VinAI, ông đã từng có thời gian dài làm việc tại các tổ chức và phòng nghiên cứu hàng đầu thế giới là Google DeepMind, Adobe Research và Nuance Natural Language Understanding Lab; cũng như dành gần 10 năm tại AI Center, SRI International (từng là Viện nghiên cứu Đại học Stanford) – nơi ông gắn bó từ năm 2003 tới 2012, trở thành Senior computer Scientist và lãnh đạo nhóm các nhà nghiên cứu đến từ nhiều tổ chức khác nhau như MIT, Berkeley, Stanford trong dự án mang tên CALO – sản sinh ra công nghệ trợ lý ảo Siri trong iPhone và được đánh giá là dự án AI lớn nhất trong lịch sử tại thời điểm đó.
Khi được hỏi về lý do từ bỏ một môi trường đáng mơ ước với vô số người để trở về Việt Nam đóng góp cho VinAI, ông cho biết: “Câu trả lời ngắn gọn nhất là tôi muốn tạo ra ảnh hưởng và tác động tích cực, muốn giải những bài toán AI của Việt Nam thay vì những bài toán của thế giới … Hơn nữa, đây là thời cơ để mình làm gì đó, khi mà Trung Quốc dù rất phát triển về AI nhưng Đông Nam Á lại được thế giới chú ý tới nhiều. Vì vậy, việc hiện thực hóa cơ hội cũng trở nên dễ dàng hơn khi có đơn vị nhiều tài nguyên đầu tư, và thời điểm này tại Việt Nam là rất hợp lý”.
Tiến sĩ cho biết, trong thời gian sắp tới, sẽ có một lực lượng nòng cốt các giáo sư bên Mỹ về tham gia viện nghiên cứu của VinAI cùng các nhà khoa học Việt Nam. Ở bước dài hơn, ông sẽ cùng các đồng nghiệp thực hiện chương trình Ai Residency với mục đích thu hút những tài năng trẻ từ các trường Đại học và trao cho cơ hội nghiên cứu với các chuyên gia hàng đầu của VinAI. Dự kiến, hàng năm chương trình sẽ tuyển vài chục sinh viên sắp hoặc đã tốt nghiệp giỏi nhất của Việt Nam, và nhóm sẽ được hướng dẫn bởi các nhà khoa học đã có những công trình nghiên cứu xuất sắc trong và ngoài nước.
Ngoài những ảnh hưởng to lớn mà AI đem lại đã quá rõ ràng, thì ông Hưng cho rằng, AI vẫn có một số hạn chế nhất định, ví dụ như công nghệ nhận dạng (mặt người, hành vi, ngôn ngữ, hành động etc) của Machine Learning (ML) thường đòi hỏi kho dữ liệu dán nhãn lớn và hiện đang được làm thủ công bởi sức người. Chính vì thế, việc nghiên cứu dạy cho máy học như một đứa trẻ học, nghiên cứu những thuật toán ML mà không cần qua nhiều nhãn, không có nhãn hoặc không tốn công sức để dán nhãn chính là một trong những hướng đi mà nhóm nghiên cứu của ông tại VinAI đang hướng đến.