Trải qua hành trình kéo dài suốt hai năm, nhiệm kỳ đầu tiên của Vietnamese Professionals In Japan (2021-2023) đã chính thức khép lại.Dù gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động do dịch bệnh toàn cầu, VPJ vẫn mang trong mình nhiệt huyết, không ngại thích ứng và phát triển mạnh mẽ đến ngày hôm nay. Tất cả đều nhờ vào các thành viên nhiệm kỳ đầu đã không bỏ cuộc, luôn cố gắng để khai phá hết tiềm năng và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày. Một năm nhìn lại, VPJ muốn gửi lời tri ân chân thành nhất tới Ban Chấp Hành, Ban Cộng Đồng, Ban Đào Tạo, Ban Điều Hành Nội Bộ, Ban Đối Ngoại và Ban Truyền Thông đã cùng nhau mang lại nhiều chương trình, sự kiện góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ người Việt đang và sẽ làm việc tại Nhật Bản định hướng và phát triển sự nghiệp.
Các đóng góp của Ban Cộng Đồng: điều hành group Facebook “Đi làm tại Nhật – VPJ” với hơn 20000 thành viên – đồng thời là cộng đồng lớn nhất chuyên dành cho người Việt hiện đang công tác tại Nhật, tổ chức sự kiện online hỏi đáp nghề nghiệp “Ask Me Anything“ (AMA) và Minigame định kỳ cho tất cả các thành viên trong và ngoài group “Đi làm tại Nhật – VPJ”
Mọi sự kiện do VPJ tổ chức đều cần tới bàn tay “phù phép” của ban Truyền Thông để đến được với người tham gia sự kiện nói riêng và công động người Việt tại Nhật nói chung. Các sự kiện thường niên trong và ngoài VPJ như Vietnam Summit, VPJ Mentoring, v.v… đều do ban Truyền Thông đảm nhiệm để duy trì và đẩy mạnh sự hiện diện của VPJ trên các trang mạng xã hội.
Ban Đào Tạo đứng sau một trong những dự án dài hơi nhất của VPJ – VPJ Mentoring. Đây là dự án giúp các bạn mentee học thêm nhiều kỹ năng trong quá trình tìm việc, được giao lưu với các mentor trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và quan trọng hơn cả đây là dịp để các bạn hiểu rõ hơn về điểm mạnh, yếu của bản thân. Đặc biệt sau mỗi mùa VPJ Mentoring, VPJ lại kết nạp được thêm nhiều thành viên mới từ mỗi lứa mentee, cho thấy sức hút rõ ràng của một chương trình đào tạo chỉn chu, chất lượng.
Ban Đối Ngoại là cầu nối giữa các hoạt động của VPJ và các bên thứ ba, đồng thời tham gia thảo luận với đối tác doanh nghiệp, xử lý tình huống khéo léo để có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên hợp tác. Không chỉ dừng lại ở xin tài trợ cho các sự kiện đơn lẻ, Ban Đối Ngoại cũng đặt mục tiêu có thể muốn tạo lập mối quan hệ lâu dài, cùng nhau phát triển với các đối tác của VPJ.
Tuy đứng sau ánh hào quang của các sự kiện và chương trình của VPJ, Ban Điều Hành Nội Bộ lại là ban đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đầy động lực làm việc và gắn kết tất cả các thành viên VPJ bằng những sự kiện nội bộ thú vị và tràn đầy ý nghĩa như VPJ Camping, VPJ Online Gathering, v.v…
Một lần nữa VPJ xin chân thành cảm ơn sự đóng góp và nhiệt huyết của các thành viên Nhiệm Kỳ I đã dành cho VPJ trong suốt một năm qua. VPJ rất mong có thể tiếp tục đồng hành cùng mọi người trong chặng đường tiếp theo của VPJ để cùng nhau xây dựng một “Cộng đồng người Việt năng động, có trình độ, có uy tín, đoàn kết tương thân tương ái”
GIẢI THƯỞNG VÀ CƠ HỘI ĐẶC BIỆT CHỈ CÓ TẠI CHƯƠNG TRÌNH THÁCH THỨC ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VIỆT NAM 2022, BẠN ĐÃ SẴN SÀNG?
Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 đang tìm kiếm những giải pháp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tiềm năng nhất. Đến với chương trình, các cá nhân, doanh nghiệp cung cấp giải pháp sẽ có cơ hội nhận giải thưởng lên đến 300.000 USD bao gồm tiền mặt và các gói quyền lợi:
Cơ hội mở rộng thị trường và triển khai thí điểm giải pháp tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam.
Cloud và trung tâm dữ liệu đến từ Viettel, AWS,…
Không gian làm việc chung và phòng thí nghiệm đến từ NIC, UP co-working space,…
Hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế uy tín
Truyền thông hình ảnh, thương hiệu trên các nền tảng quảng cáo khác nhau từ Meta, Goldsun Media Group,..
Đưa giải pháp của bạn nhân rộng khắp Việt Nam cùng VIC 2022, bạn đã sẵn sàng?
THÔNG TIN LIÊN HỆ ▪Ban tổ chức chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 ▪Email: vic@nic.gov.vn ▪SĐT: (+84)987.417.373 (Mr. Linh) ▪SĐT: (+84)788.900.406 (Ms. Vân)
ARE YOU READY FOR SPECIAL AWARDS AND OPPORTUNITIES ONLY AT THE VIETNAM INNOVATION CHALLENGES 2022?
The Vietnam Innovation Challenge 2022 is looking for the most potential innovative solutions and digital transformation. Coming to the challenge, individuals and businesses providing solutions will have the opportunity to receive prizes up to 300,000 USD including cash and benefits packages:
Opportunities to expand markets and scale your solutions to major provinces and cities in Vietnam;
Cloud and data centers from Viettel, AWS, etc;
Co-working space and laboratories from NIC, UP co-working space, Sunwah Innovation, etc;
Technical support from international development organizations;
Promote images and brands on different advertising platforms from Meta, Goldsun Media Group, etc.
Bring your solution across Vietnam with VIC 2022, are you ready?
CONTACT INFORMATION ▪The Organizer of the Vietnam Innovation Challenge 2022 ▪Email: vic@nic.gov.vn ▪Tel: (+84)987.417.373 (Mr. Linh) ▪Tel: (+84)788.900.406 (Ms. Van)
————————— ▪VIC 2022 – Innovation for a Prosperous Vietnam ▪Vietnam Innovation Challenge is an annual program within the framework of the Vietnam Innovation Initiative (InnovateVN) chaired by the Ministry of Planning and Investment, organized by the National Innovation Center (NIC) and the META Group. ▪Website: https://vic.nic.gov.vn ▪Facebook: https://lnkd.in/gqcnXkWF ▪Linkedin: https://lnkd.in/gk4yfEhm
Bổ ích, thú vị, vui vẻ là ba trong số những ngôn từ có đủ sức mạnh để diễn tả những ký ức còn đọng lại trong lòng những người tham gia và các khách mời cùng đội ngũ ban tổ chức sau sự kiện “VPJ The Debaters” vừa qua.
Chương trình được tổ chức tại Tầng 3, Social Space Akasaka vào ngày 10/12/2022 đã đem đến cho những người tham gia nhiều góc nhìn đa chiều về phát triển sự nghiệp tại Nhật Bản, thông qua hình thức tranh biện giữa 4 vị khách mời giàu kinh nghiệm.
Trong khuôn khổ của sự kiện, người tham gia được làm quen với 4 vị khách mời, nghe những chia sẻ vô cùng chân thực, những đánh giá khách quan của họ về chuyện “chọn việc như thế nào”, “làm việc ở đâu” và “chuyển việc ra làm sao”.
Chị Đặng Hoàng Phượng, Vice President tại Asia Growing Markets Department, Sumitomo Mitsui Bank Corporation, chia sẻ bí quyết cân bằng cuộc sống và công việc dưới tư cách một người mẹ có 2 con nhỏ, là đến từ tình yêu: “Đầu tiên là tình yêu gia đình, tình yêu con cái. Chị muốn thể hiện cho con thấy rằng mẹ mình cũng có có ước mơ, đam mê riêng và sẵn sàng lăn xả phát triển sự nghiệp riêng ngoài xã hội để từ đó con hiểu rằng bản thân cũng cần có cho mình ước mơ riêng và sẵn sàng theo đuổi nó. Thứ hai chính là tình yêu với công việc. Đi làm sẽ có rất nhiều áp lực và khó khăn nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể coi đây là động lực để tiến bộ hơn và tạo nên sự ý nghĩa cho cuộc sống của mình.”.
Trong khi đó, khách mời Vũ Nhật Minh (Software Engineer tại Stripe, Inc.) lại dí dỏm tự nhận là một “ông hoàng FOMO” (Fear of missing out), “chiến thần đu đỉnh” khi luôn không ngừng tìm kiếm cơ hội cho mình ở nhiều môi trường làm việc khác nhau, với các công ty khác nhau. Anh cho rằng “Mỗi bước nhảy (việc) với mình là 1 lần FOMO. Mình được tiếp xúc với những con người mới, và tự nhiên sẽ nhìn ra bước nhảy tiếp theo của mình nên tới đâu. Phải liên tục tự thử thách bản thân để đi lên cao hơn, phát triển hơn.”
Công ty nhật hay công ty nước ngoài – đâu là sự lựa chọn phù hợp?
Sau màn giới thiệu về bản thân của các khách mời, chương trình VPJ The Debaters chính thức “khởi động” với màn tranh luận đầu tiên về chủ đề là “Công ty Nhật” với “Công ty nước ngoài”. Bốn khách mời được chia ra làm 2 đội: “công ty Nhật” với sự góp mặt của chị Đặng Hoàng Phượng và anh Nguyễn Vũ Thanh Tùng và Đội “công ty nước ngoài” với sự góp mặt của anh Nguyễn Đông Dũng và anh Vũ Nhật Minh. Mỗi đội sẽ có 5 phút để chứng minh quan điểm của mình rằng đội công ty của mình có những thế mạnh gì, và sau đó sẽ là 7 phút phản biện đặt câu hỏi của đội còn lại.
Không khí khán phòng nóng dần lên theo từng phút khi các đội đều đưa ra những luận điểm, luận cứ chặt chẽ để bảo vệ cho đội của mình. Chị Phượng, với kinh nghiệm 11 năm chưa từng đổi nơi làm việc, cho rằng công ty Nhật giống như một trường Đại học, với vô vàn các khóa học và chế độ đào tạo kể cả cho những người làm trái ngành cũng có thể theo đuổi để nâng cao trình độ. Ngoài ra, chị cũng nhấn mạnh rằng công ty Nhật thường có tính ổn định cao với hình thức “tuyển dụng suốt đời”, có thể đảm bảo được công việc ngay cả trong làn sóng sa thải ở trên toàn thế giới. Hơn nữa, có rất nhiều đãi ngộ nếu làm việc tại công ty Nhật như chi phí nhà ở, đi lại, ăn uống hay những sự kiện lớn trong cuộc đời của nhân viên như sinh em bé hay mua nhà.
Nhận được câu hỏi về sự nhàm chán, thiếu mới mẻ, không đủ thú vị của công ty Nhật, chị phản đối rằng công ty Nhật luân chuyển giữa các phòng ban, người làm việc sẽ luôn bị đặt vào trạng thái phải học hỏi không ngừng từ sách vở, những người xung quanh, hay xu hướng thế giới. Đánh đổi sẽ là công sức và thời gian, nhưng chị cho biết đây là sự đánh đổi xứng đáng khi giá trị bản thân sẽ ngày càng được nâng cao. Chị cũng thừa nhận sự thật rằng, người nước ngoài nghỉ việc và chuyển việc khi họ không thể chịu đựng môi trường làm việc áp lực cao của Nhật. Về quan điểm làm việc ở công ty Nhật không được đưa ra ý kiến cá nhân, chị thấy công ty Nhật bây giờ đã thay đổi và khuyến khích nhân viên đưa ra quan điểm của mình, tuy nhiên cần phù hợp hoàn cảnh và cách nói chuyện.
Anh Tùng, Chief Data Officer tại H2 Corporation, lại nhìn ở khía cạnh người Việt đang sinh sống tại nước ngoài, nếu đã cất công bỏ sức đến Nhật, thì tại sao lại bỏ phí cơ hội để làm việc và học hỏi văn hoá nơi đây. Anh cũng cho rằng môi trường Nhật Bản đang dần trở nên thoáng hơn, mở ra nhiều hướng phát triển cho mọi người, tuy nhiên tốc độ phát triển có thể hơi chậm so với các thị trường như Mỹ, Anh,…
Bên phía đội “Công ty nước ngoài”, anh Nguyễn Đông Dũng, Program Director tại FPT Manufacturing DX, đưa ra luận điểm dựa trên kinh nghiệm của bản thân khi đã từng làm cho cả 2 loại công ty rằng công ty nước ngoài có lợi thế rất lớn về mặt tài chính. Tuy không có nhiều phúc lợi như phía công ty Nhật, các công ty nước ngoài thường sẽ trả bạn một khoản tiền lương rất lớn. Ngoài ra, công ty nước ngoài thường không có chế độ đào tạo từ đầu như công ty Nhật, nhưng với anh đây lại là điểm mạnh để người đi làm nâng cao giá trị bản thân, thử sức với những khó khăn cũng như sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn nếu tự mình vượt qua được khó khăn.
Với câu hỏi rằng môi trường công ty nước ngoài có sự phân hoá mạnh mẽ của cá nhân hơn tập thể, anh Dũng cho biết rằng năng suất làm việc là thứ được đánh giá cao nhất tại công ty nước ngoài. Chính vì vậy, để đạt được kết quả tốt khi làm việc, các thành viên trong một team sẽ đều đồng lòng và cố gắng, trao đổi và tìm hiểu nhau hơn vì mục đích chung. Anh Minh bổ sung rằng ở vị trí của người nước ngoài, anh cảm thấy rằng làm việc bằng tiếng Anh thoải mái hơn tiếng Nhật, môi trường công ty nước ngoài cũng năng động và thoải mái hơn môi trường làm việc truyền thống của các công ty Nhật.
Đối với sự phản biện về việc làm việc ở công ty nước ngoài thiếu tính ổn định, trong tình hình cạnh tranh và bấp bênh của thế giới hiện tại thì vô cùng rủi ro, anh Minh thẳng thắn thừa nhận đây là điều không thể tránh khỏi, và kỹ năng quản lý rủi ro là vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc bị layoff (sa thải/buộc thôi việc) ở công ty nước ngoài không bị coi như một vết nhơ. Khi được hỏi về văn hoá công ty nước ngoài khó thâm nhập vào thị trường Nhật, khiến người làm việc ở đây sẽ thiếu kết nối với xã hội và bỏ lỡ sự thú vị khi văn hoá nơi đây, anh cho rằng sức mạnh của công ty nước ngoài nằm ở sự đa dạng văn hoá sắc tộc của nó. Góc nhìn ở người nước ngoài cùng với người Nhật sẽ đem đến sự phát triển cho công ty khi mọi người bất đồng và thoả hiệp với nhau để cùng đạt được mục tiêu cuối cùng. Tuy nhiên, đôi công ty nước ngoài đồng ý với ý kiến của anh Tùng rằng công ty nước ngoài thường có trụ sở ở nước ngoài, nên cơ hội thăng tiến nghề nghiệp ở chi nhánh Nhật Bản sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Công ty lớn hay công ty nhỏ – môi trường nào sẽ mang nhiều cơ hội phát triển?
Khép lại phần tranh biện đầu tiên, chương trình chuyển sang phần thứ hai mang tên “Công ty vừa và nhỏ” hay “Công ty, tập đoàn lớn”. Lần này, đội của 2 bên đã có sự thay đổi với anh Nguyễn Vũ Thanh Tùng và anh Vũ Nhật Minh bảo vệ luận điểm làm việc ở công ty vừa và nhỏ còn chị Đặng Hoàng Phượng và anh Nguyễn Đông Dũng bảo vệ luận điểm làm việc ở công ty, tập đoàn lớn.
Trong phần biện luận của đội mình, anh Minh thuyết phục rằng công ty vừa và nhỏ có thể mang theo rủi ro cao, nhưng tương đương với đó chính là lợi nhuận cao. Làm việc cho công ty vừa và nhỏ như những startup hoàn toàn có thể trở thành một “cơ hội đổi đời”. Nếu muốn được hưởng một phần lợi nhuận từ những gì công ty lớn đạt được, người làm việc phải đạt đến một trình độ và chức vụ nhất định. Tuy nhiên, đối với công ty nhỏ, sự giới hạn trong mặt nhân sự của nó chính là một cơ hội để bạn được hưởng thành quả mà công ty tạo ra một cách trực tiếp thông qua cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc nếu công ty càng phát triển, thì giá trị lợi nhuận mà cổ đông/nhân viên trong công ty nhận được sẽ càng tăng cao. Tuy nhiên, anh cũng khuyến cáo không nên chỉ nhìn vào mặt tốt mà luôn phải cẩn trọng cân nhắc, vì không phải môi trường startup/khởi nghiệp nào cũng có thể tồn tại được lâu.
Bổ sung cho đội mình, anh Tùng cho biết so với việc chỉ tập trung vào phần chuyên môn khi làm ở các công ty lớn, cơ hội học hỏi ở môi trường khởi nghiệp của công ty vừa và nhỏ sẽ mở rộng hơn, vì các thành viên cần đảm nhận nhiều tác vụ và phụ trách nhiều mảng hơn. Điều này sẽ giúp nhân viên có cơ hội phát triển toàn diện hơn về nhiều mặt như: vừa phát triển nghiệp vụ chuyên môn, vừa nâng cao kỹ năng quản lý và kinh nghiệm làm việc với khách hàng.
Ngoài ra, anh Tùng cảm thấy hệ sinh thái của Nhật đang phát triển và cởi mở hơn những năm gần đây, gần tiệm cận với các hệ sinh thái như Mỹ, Âu. Nhờ điều này, các công ty vừa và nhỏ có thể gọi vốn một cách thuận lợi hơn kể cả khi không có sản phẩm có độ cạnh tranh/phủ sóng cao.
Kết luận của đội công ty vừa và nhỏ đưa ra chính là môi trường này rất phù hợp với những bạn có khả năng làm việc đa nhiệm, thông thạo nhiều kĩ năng, và luôn trau dồi bản thân ở nhiều khía cạnh. Anh Minh cũng cho biết rằng khi làm việc ở các công ty vừa và nhỏ với môi trường hẹp hơn thì khả năng mở rộng mối quan hệ với những nhân vật có chức vụ quan trọng trong công ty cũng được cải thiện và trở nên dễ dàng hơn so với môi trường còn lại.
Khi đội công ty lớn đặt câu hỏi rằng rủi ro của việc làm ở những công ty nhỏ, nắm giữ chức vụ cao nhưng nếu chuyển sang công ty khác, khả năng bắt đầu từ chức vụ thấp hơn là điều không tránh khỏi, anh Tùng đưa ra câu trả lời rằng bản thân đã trải qua việc được mời gọi từ nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau nhưng bản thân anh đã tính toán kỹ các lựa chọn cùng hoạch định rủi ro để có thể đưa ra quyết định. Anh chia sẻ chính mình đã có kế hoạch từ trước về việc tạo dựng một startup của riêng mình, nhưng anh cũng ý thức được độ dũng cảm và nhiệt huyết để đương đầu với rủi ro của bản thân sẽ giảm đi tỉ lệ thuận với độ tuổi. Khi còn trẻ, ta có ít thứ để mất hơn, chính vì thế anh động viên các bạn trẻ hãy mạnh dạn bước theo con đường mà mình đam mê trước khi cơ hội để thử thách bản thân hẹp lại.
Về anh Minh, khi nhận được câu hỏi rằng không phải startup nào cũng có thể hoá “kỳ lân”, nên việc lựa chọn công ty như vậy không mang tính ổn định, và cần đánh đổi nhiều, anh bật mí rằng làm việc ở công ty vừa và nhỏ có 2 dạng. Một là muốn công ty trở thành một startup kỳ lân, và hai là mong công ty phát triển vừa phải nhưng ổn định. Bản thân anh đã từng là người đi theo con đường thứ 2, tuy nhiên khi nhận ra được thời gian công sức mà mình bỏ ra đang “lỗ” thì nên thay đổi. Anh cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ muốn đi theo con đường như anh rằng quan trọng là cần chọn người leader, sếp và người thành lập công ty tiềm năng.
Chuyển sang đội bảo vệ luận điểm làm việc ở công ty, tập đoàn lớn, chị Phượng cảm thấy bỏ qua các yếu tố rõ ràng về mặt lương bổng, phúc lợi và đãi ngộ ổn định đầy đủ của những công ty này, thì công ty lớn còn có điểm mạnh là nguồn lực dồi dào. Theo chị, người làm việc hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực phong phú của công ty lớn để phát huy đam mê và điểm mạnh của bản thân. Nguồn lực của công ty trải dài đa dạng từ tiền bạc, thông tin, kiến thức đã có cho đến con người. Nếu bạn có đủ thực lực, đam mê và chứng minh được nguyện vọng phù hợp với mục tiêu của công ty, thì công ty lớn sẽ sẵn sàng đầu tư để bạn được thử sức và trải nghiệm. Hơn thế nữa, công ty lớn sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho nhân viên đến từ việc đào tạo tại nước ngoài, làm việc tại chi nhánh khác, chuyển đổi các bộ phận ban ngành. Chị nhấn mạnh đây chính là bệ phóng để bản thân tạo giá trị, chứng minh chính mình để sau này thuận lợi làm được những gì mình mong muốn. Chị còn cho biết rằng mối quan hệ đồng nghiệp cũng là một khía cạnh đáng được nhìn nhận. Nếu ở công ty nhỏ và gặp xích mích giữa đồng nghiệp với nhau hay cấp trên với cấp dưới, cách duy nhất để giải quyết là nghỉ việc, chuyển công ty, thì ở công ty lớn, mọi chuyện sẽ dễ dàng được giải quyết hơn khi chỉ cần chuyển đổi bộ phận khác, làm cùng nhóm khác. Tức là những việc ngoài chuyên môn làm người ta phải đau đầu như mối quan hệ giữa con người với con người hoàn toàn có thể được kiểm soát.
Anh Dũng cũng cảm thấy khi làm việc ở công ty lớn, chính thương hiệu của công ty cũng giúp cho nhân viên có được sự tin tưởng và uy tín, nhận được thiện cảm đầu tiên nhanh chóng hơn khi tham gia các hoạt động ngoài xã hội. Đối với quyết định của công ty lớn sẽ mất thời gian hơn khi cần thông qua nhiều phòng ban trước khi quyết định được đưa ra, có thể gây hại đến cơ hội của công ty, anh Minh đồng tình rằng với thời đại phát triển nhanh chóng mặt như hiện nay thì sản phẩm của các công ty nhỏ thường chiến thắng công ty lớn ở tốc độ. Tuy nhiên, anh Dũng lại phản đối với luận điểm rằng công ty lớn có lối suy nghĩ bành trướng sẽ thường đưa ra những quyết định nhanh vì họ hướng tới việc mở rộng kinh doanh. Trong khi đó, chị Phượng lại cảm thấy việc tốn thời gian để đưa ra quyết định sẽ dẫn đến quyết định được cân nhắc chắc chắn và cẩn thận hơn, và đây là điều không thể tránh khỏi khi độ ảnh hưởng của các quyết định của những công ty này ở quy mô nhân sự lớn hơn. Anh chị kết luận rằng các quyết định có thể mang tính cách mạng cho doanh nghiệp cần được nhìn nhận, nghiên cứu một cách nghiêm túc và việc mất thời gian là điều dễ hiểu.
Sôi nổi với phần tương tác cùng khán giả
Đi qua phần tranh luận và biện luận “bùng cháy” đến từ 4 vị khách mời “lão luyện”, chương trình chuyển sang phần tương tác cùng khán giả với gần 30 câu hỏi được đặt ra liên tục trong hội trường đủ để chứng minh sức nóng và sự quan tâm của những người tham gia với chủ đề này. Tuy nhiên do thời lượng chương trình là có hạn, nên chỉ có một vài câu hỏi tiêu biểu được gửi đến khách mời.
Trên con đường nắm giữ được chức vụ quan trọng của mình, chị Phượng cho biết đầu tiên cần làm tốt công việc của bản thân rồi sau đó mới tìm đến những mối quan hệ xung quanh hay sử dụng các kĩ năng khác. Việc mỗi người tìm được điểm mạnh của mình, và chứng minh cho những người xung quanh công nhận sẽ là nền tảng vững chắc cho bản thân sự tự tin và từ đó có thể tiến xa hơn. Điều còn lại là phụ thuộc vào các kỹ năng khác cùng khả năng kết nối con người. Đối với công việc hiện tại của chị, để hoàn thành một dự án lớn, cần phải vận dụng sự hợp tác từ nhiều con người và các bộ phận khác nhau. Do đó, việc xây dựng mạng lưới quan hệ tốt là điều rất quan trọng, để khi cần có thể vận dụng được các mối quan hệ đấy cho việc thực hiện trong dự án/mong muốn của mình.
Thông qua câu chuyện thực tế của bản thân khi tiếp xúc với các khách hàng, chị đúc kết thay vì cố gắng bằng mọi giá để đuổi theo KPI cá nhân, hãy làm việc xuất phát từ cái tâm và tích cực của bản thân để giúp đỡ khách hàng đạt được yêu cầu mong muốn. Khi đó, công sức bản thân bỏ ra sẽ được trân trọng, công việc sẽ ngày càng suôn sẻ và may mắn. Chị đã thành công áp dụng điều này dù có điểm yếu là một người phụ nữ nước ngoài. Chị cũng khuyên các bạn trẻ không nên lo lắng và bỏ thời gian cho điểm yếu của mình mà nên tập trung vào điểm mạnh của bản thân, hoặc khéo léo chuyển hoá điểm yếu thành điểm mạnh. Và rồi một ngày, những khó khăn, nỗ lực và cống hiến của mình sẽ được đền đáp xứng đáng. Chị Phượng động viên mọi người không nên ở thế bị động chờ cơ hội tự tìm đến mình mà hãy chủ động tìm kiếm, khẳng định giá trị bản thân, thể hiện mình cho người khác biết, bộc lộ khát khao phát triển và cầu tiến. Có năng lực và thể hiện bản thân phù hợp sẽ là cách để người khác nhìn thấy, công nhận và cho bạn cơ hội để tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Chia sẻ về bí quyết kiểm soát cũng như chuẩn bị tài chính trước khi vào công ty hiện tại, anh Tùng cho biết anh một mặt đầu tư tiền để có thêm thu nhập, một mặt tiết kiệm và lập kế hoạch chi tiết để quản lý rủi ro. Tuy nhiên anh cũng nhấn mạnh rằng cần để ý đến thời cơ và nắm bắt ngay cả khi chuẩn bị chưa đủ kỹ lưỡng, nên chấp nhận mạo hiểm. Có rất nhiều rủi ro để theo đuổi startup, tuy nhiên quan trọng là mình cố gắng hết sức để giảm thiểu rủi ro đó.
Là một người đã từng trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, anh Dũng nêu lên quan điểm của mình về quan hệ cấp trên và cấp dưới ở những môi trường này không giống nhau phụ thuộc vào văn hoá của công ty. Anh cảm thấy công ty Nhật truyền thống chú trọng việc bản thân làm tốt công việc của mình, người làm việc cần thể hiện sự nhiệt huyết, không vụ lợi, không màng xung quanh, chỉ tập trung làm tốt những gì mình được giao. Chính vì thế, các đồng nghiệp trong công ty dễ có khả năng ganh đua lẫn nhau trong công việc.
Trong khi đó, môi trường công ty nước ngoài sẽ đề cao tính cá nhân, sự tham vọng và cầu tiến. Người làm việc trong môi trường này cần có tầm nhìn xa và sự để tâm đến môi trường xung quanh hơn chỉ tập trung vào công việc của mình, để có thể thăng tiến. Môi trường công ty Việt Nam tại Nhật thì đơn giản hơn khi chỉ cần chứng minh được bản thân có năng lực là sẽ có khả năng thăng tiến, không quan trọng người làm việc có đưa ra những ý kiến trái chiều với cấp trên hay không thì nếu tạo ra lợi nhuận, người làm vẫn sẽ được đánh giá cao. Anh đưa ra lời khuyên rằng để thâm nhập vào môi trường làm việc, mỗi người cần cân nhắc nhiều khía cạnh về văn hoá đồng nghiệp, văn hoá công ty và thị trường phát triển tại nơi đó.
Nhận được câu hỏi về việc làm thế nào để chọn công ty vừa và nhỏ sao cho bản thân có thể tiếp cận nhiều cơ hội lớn, anh Minh thẳng thắn chia sẻ rằng bản thân vào 3 công ty khác nhau đến từ các tình huống khác nhau. Tuy nhiên, có một số điều mà người đi làm cần để tâm trước khi chọn công ty là lương bổng, thứ hạng và cuối cùng là tầm nhìn của ban lãnh đạo công ty..
Chương trình “VPJ The Debaters: Chọn tập đoàn lớn hay công ty vừa và nhỏ – Định hướng sự nghiệp của bạn là gì?” khép lại với khoảng thời gian thư giãn chuyện trò giao lưu giữa các khách mời và người tham gia. Niềm vui rạng rỡ trên gương mặt, những cái bắt tay thật chặt đầy ý nghĩa cùng những đóng góp chân thành của những người tham gia chương trình là những lời động viên to lớn để Ban tổ chức chương trình, Vietnamese Professional in Japan cố gắng hơn nữa trong những sự kiện vì cộng đồng khác trong tương lai.
Một lần nữa, Ban tổ chức sự kiện xin được gửi lời cảm ơn chân thành vì những sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các bạn đến chương trình và hẹn gặp lại các bạn trong những hoạt động tiếp theo của Vietnamese Professional in Japan với những cảm xúc tuyệt vời và nhiều bất ngờ thú vị hơn!
Ngày 16/4/2022, tại Tokyo Nhật Bản, Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức Đại hội Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2021-2023.
Đại hội có sự góp mặt của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản – ông Vũ Hồng Nam, Chuyên gia kinh tế độc lập – bà Phạm Chi Lan, các trưởng bộ phận ban ngành Đại sứ quán cùng hơn 50 đại biểu đến từ Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ), Cộng đồng chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ), Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nhật (VJION)… Đặc biệt, đại hội đã vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng từ Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Đại hội đã tiến hành bầu ra Ban Thường vụ Hội gồm 6 thành viên, bao gồm:
– Chủ tịch: Tạ Việt Phương
– Phó chủ tịch: Trần Đăng Xuân
– Phó chủ tịch: Phạm Văn Long
– Phó chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn
– Phó chủ tịch: Trịnh Thành Luân
– Cố vấn: Lê Đức Anh
Thay mặt Ban Chấp hành phát biểu, ông Tạ Việt Phương cho biết, trong nhiệm kỳ 2021 – 2023, Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản hướng tới việc chuyên nghiệp hóa hoạt động của hội; xây dựng cơ sở dữ liệu các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản; Hỗ trợ các hoạt động đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng như đóng góp vào chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Việt – Nhật.
Cuộc sống đi làm của phụ nữ Việt tại Nhật có gì khác biệt? Niềm vui, cảm hứng của bạn mỗi ngày khi đi làm là gì? Bạn có “biến hình” thành hai phiên bản khác nhau khi đi làm và khi ở nhà không?
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, group VPJ đã tổ chức cho các thành viên trong nhóm “Đi làm tại Nhật – VPJ” một minigame ảnh cực đơn giản với chủ đề dành riêng cho phái nữ với tên gọi “Women’s day, Women đây! – Khi phụ nữ đi làm tại Nhật”.
Sau hơn 1 tuần dự thi và bình chọn (08~18/03/2022), cuộc thi đã khép lại với 25 bài dự thi từ các thành viên cực kỳ duyên dáng, tài năng của cộng đồng “Đi làm tại Nhật – VPJ”. Ban tổ chức hy vọng cộng đồng đã hiểu hơn về phụ nữ Việt cũng như những giá trị mà các chị em đang nỗ lực mang lại trên xứ sở hoa anh đào.
Tất cả 25 bài dự thi là 25 món quà vô giá mà các thành viên đã dành tặng cho cộng đồng group Đi làm tại Nhật – VPJ. Đừng quên theo dõi và tham gia các hoạt động tiếp theo của VPJ.
Mở đầu cho chuỗi chương trình này là một chủ đề muôn thuở mà bất kỳ ai cũng dành sự quan tâm, đặc biệt khi sinh sống tại nước ngoài, đó chính là chủ đề về TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
Với những ai đã có thời gian dài ở Nhật, thì chắc hẳn sẽ không có quá nhiều lo lắng và bất an trong cuộc sống thường nhật. Thay vào đó là những tính toán đường dài cho tương lai, ví dụ kết hôn hay sinh con. Nếu kết hôn, lập gia đình chỉ là câu chuyện của hai người, thì sinh con, nuôi con ở Nhật thì không phải là một câu chuyện đơn giản.
Và đây cũng là nội dung của video chia sẻ kiến thức: Chi phí nuôi con – nuôi con ở Nhật có đắt không, video mở đầu cho chủ đề TÀI CHÍNH CÁ NHÂN.
Thông tin trong video được thu thập tại thời điểm năm 2020.
——————————————-
SỐNG Ở NHẬT là chuỗi video được thực hiện với mục đích chia sẻ những kiến thức sống thông minh giúp cộng đồng ổn định cuộc sống ở Nhật Bản, như quản lý tài chính, các khoản thuế, nuôi con tại Nhật,… Với thời lượng 5~7 phút/video, chương trình đem lại những kinh nghiệm hữu ích, bổ sung vào cuốn sổ tay sống hàng ngày của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.
Quý khán giả có thể theo dõi thêm các video chia sẻ kiến thức hữu ích về đời sống ở Nhật Bản qua các chủ đề dưới đây:
Các phương án Vay tiền mua nhà
Các khoản thuế và bảo hiểm đối với Du học sinh
Xin hoàn trả tiền Nenkin
Debit/prepaid và các ứng dụng thanh toán
Bí quyết chọn thẻ tín dụng phù hợp
Điều chỉnh thuế cuối năm
Tiết kiệm tiền thuế với Furusato Nozei
Các cách để giảm thuế
Các khoản khấu trừ vào lương
Chi phí nuôi con
Chương trình được thực hiện bởi VPJ với sự đồng hành của nhà tài trợ Công ty chuyển tiền Quốc tế Kyodai.
Vietnamese Professionals In Japan vinh dự đồng hành cùng cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST, sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST 2021. Cuộc thi được chỉ đạo bởi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), với thành phần Ban tổ chức gồm có Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban NNVNVNONN), Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) phối hợp cùng Văn phòng Đề án 844 (ISEV), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), với sự đồng hành của Startup World Cup.
Tiếp nối thành công của Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST các năm trước đây với hơn 2000 đội dự thi, hơn 360 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước đồng hành, cuộc thi năm nay được định vị là một sân chơi – một bệ đỡ đúng nghĩa cho doanh nghiệp khởi nghiệp, và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, mang đến cơ hội kết nối nguồn lực tài chính, đối tác, phát triển thị trường, chia sẻ kiến thức cho các sáng lập viên nhằm giúp các doanh nghiệp phát huy hiệu quả nguồn lực và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đến với Cuộc thi, các doanh nghiệp tham dự có cơ hội nhận được:
▸ Các giải thưởng tài chính hấp dẫn và các gói hỗ trợ với tổng trị giá lên đến 500.000 USD ▸ Cơ hội tiếp xúc với hơn 50 quỹ và nhà đầu tư trong nước quốc tế xuyên suốt các vòng thi ▸ Được bảo trợ truyền thông, quảng bá bởi mạng lưới hơn 200 cơ quan báo đài ▸ Được đồng hành hỗ trợ bởi hơn 40 tổ chức và 80 chuyên gia đa ngành ▸ Được đặt gian hàng triển lãm tại nền tảng online TECHFEST 247 ▸ Cùng các gói hỗ trợ chuyên sâu sau chương trình.
🎓 Đối tượng: Cá nhân là người Việt Nam hoặc người gốc Việt sinh sống và làm việc trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp có sản phẩm/ dịch vụ/ công nghệ đổi mới sáng tạo.
📝 Hình thức: gồm 2 bảng thi 🔹 Bảng Công nghệ (Tech startup): Dành cho các công ty cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ công nghệ cho khách hàng và thị trường, bao gồm các sản phẩm và dịch vụ công nghệ hoàn toàn mới hoặc sử dụng các công nghệ mới để đạt được sự tăng trưởng và mở rộng quy mô nhanh chóng. Doanh nghiệp có sở hữu về công nghệ, hoặc đã đăng ký sở hữu trí tuệ. 🔹 Bảng Mô hình kinh doanh Đổi mới sáng tạo (Innovative business): Doanh nghiệp có yếu tố Đổi mới sáng tạo trong Mô hình kinh doanh, sản phẩm/dịch vụ… Ứng dụng công nghệ để tăng tính hiệu quả. Không yêu cầu những công nghệ đặc biệt. Không yêu cầu sở hữu công nghệ hoặc có đăng ký sở hữu trí tuệ.
🔔 Chuỗi hoạt động: 🔹 Chuỗi hoạt động hội thảo công nghệ và ứng dụng theo ngành: với sự đồng hành của các Làng công nghệ, các tổ chức hỗ trợ, chuyên gia, các cơ quan truyền thông, đầu tư trong nước và quốc tế. 🔹 Hoạt động đào tạo: trang bị các kiến thức, kỹ năng và công cụ cần thiết như tài chính, nhân sự, marketing, bán hàng, vận hành,…. bởi các chuyên gia, đơn vị hỗ trợ trong nước và quốc tế, các nhà tài trợ. 🔹 Hoạt động kết nối cố vấn: hỗ trợ kết nối với các mentor là chuyên gia, doanh nhân, nhà đầu tư,… trong nước và quốc tế để cố vấn và đồng hành cùng quá trình phát triển của các đội thi. 🔹 Hoạt động kết nối đầu tư: tổ chức các buổi kết nối đầu tư online để các đội thi được gặp gỡ, trình bày dự án với các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tìm kiếm cơ hội gọi vốn đầu tư phát triển đội thi.
⏰ Các mốc thời gian: ▪️ 16/09 – 26/10/2021: Nhận hồ sơ đăng ký dự thi ▪️ 27/10 – 06/11/2021: Vòng sơ loại theo Làng – Chọn ra top 10 mỗi Làng ▪️ 07/11 – 15/11/2021: Vòng chấm tuyển chọn top 60 – Chọn ra 60 đội vào Vòng Đào tạo ▪️ 16/11 – 30/11/2021: Vòng Đào tạo – Chọn ra 20 đội vào vòng Chung kết ▪️ 01/12 – 07/12/2021: Bán kết Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng KN ĐMST Quốc gia TECHFEST 2021 ▪️ 01/12 – 12/12/2021: Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng KN ĐMST Quốc gia TECHFEST 2021 ▪️ 02/2022 – 04/2022: Các hoạt động hỗ trợ sau cuộc thi dành cho Top 10
🔗THÔNG TIN LIÊN HỆ ▸ Dành cho các đội đăng ký tham gia cuộc thi: Mr. Phạm Thế Hùng – Ban Tổ chức Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo TECHFEST 2021 SĐT: 0886460560 Email: hung.pt@svf.org.vn
▸ Dành cho các đơn vị hỗ trợ, đối tác và chuyên gia mong muốn đồng hành cùng cuộc thi: Ms. Nguyễn Ngọc Tường Vân – Ban Tổ chức Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo TECHFEST 2021 SĐT: 0788900406 Email: van.nnt@svf.org.vn
—————————
📌 Được khởi xướng từ năm 2015, Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong những hoạt động được quan tâm nhiều nhất của Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia (𝗧𝗘𝗖𝗛𝗙𝗘𝗦𝗧 𝗩𝗜𝗘𝗧𝗡𝗔𝗠) – sự kiện thường niên lớn nhất cả nước dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam do Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức.
STARTUPS TRƯỞNG THÀNH TỪ TECHFEST | NHỮNG GIÁ TRỊ NHẬN ĐƯỢC SAU CUỘC THI TÌM KIẾM TÀI NĂNG KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA
🎯 Trải qua hành trình 6 năm tính từ 2015 đến nay, TECHFEST đã chào đón hơn 20.500 người tham dự, thu hút hơn 350 Quỹ đầu tư và và 1000 lượt khách đầu tư trong nước và quốc tế. Trong đó, Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia luôn là một điểm sáng tại sự kiện thường niên lớn nhất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo này, mang đến cho startups Việt nhiều cơ hội giao lưu, kết nối và học hỏi.
✨ Được biết đến là những startup xuất sắc lọt vào Top 10 tại Chung kết Cuộc thi năm 2020 cũng như nhận được đánh giá cao của nhiều Nhà đầu tư, Chuyên gia trong và ngoài nước. Đồng thời, họ cũng đã có những phát triển vượt bậc và nhiều hoạt động nổi bật đóng góp cho hệ sinh thái và cộng đồng. Cùng lắng nghe những chia sẻ của đại diện từ GoStream và CNV Loyalty về những giá trị họ đã gặt hái được trong và sau Cuộc thi👇🏻
Tiếp nối thành công của [AMA] “Những mảng màu biên – phiên dịch”, VPJ tiếp tục mang tới một sự kiện khác cùng trong chuỗi Ask Me Anything (AMA) với chủ đề quen thuộc không kém: Nghề quản lý Thực Tập Sinh – phiên dịch cho nghiệp đoàn. Sự kiện lần này đã diễn ra vào ngày 30/5/2021 dưới hình thức livestream tại fanpage Facebook của VPJ.
Quản lý Thực Tập Sinh – phiên dịch cho nghiệp đoàn tại Nhật là một vị trí thường xuyên được tuyển dụng, dành cho cả các bạn sinh viên vừa ra trường cũng như người đã có kinh nghiệm đi làm. Bên cạnh kỹ năng biên – phiên dịch, công việc quản lý Thực Tập Sinh cũng đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, quản lý nhân sự, xử lý tình huống v..v. Sự kiện lần này chính là nơi các bạn đang, đã và chuẩn bị bước vào nghề có thể đặt câu hỏi cho các senpai “lão làng” về những khó khăn, vất vả, cũng như cái được và mất của công việc “làm dâu trăm họ” này.
Danh sách các khách mời của webinar lần này:
Anh Lê Hùng – Trưởng phòng kinh doanh tại 株式会社日本 マルコ (chi nhánh Tokyo)
Anh Lê Văn Khoa – Sales và tìm ứng viên Kỹ sư – Tokuteigino
MC: Chị Hoàng Ngọc Trang – Tư vấn phát triển vùng, địa phương
Thông tin tổng quan về [AMA] #5 Quản lý Thực Tập Sinh – phiên dịch cho nghiệp đoàn
Thời gian: Ngày 31 tháng 5 năm 2021 (Chủ Nhật) 21:05~23:00
Link video ghi lại seminar: https://www.facebook.com/VietProJapan/videos/336079807875824
GIỚI THIỆU KHÁCH MỜI
1. ANH LÊ HÙNG
Anh Lê Hùng hiện đang công tác tại công ty 日本マルコ. Ngoài công việc chính là quản lý, hỗ trợ TTS, anh cũng là admin của page “Cty dịch vụ tổng hợp 1080 Japan” và group “Hội phiên dịch & quản lý tts và dịch baito Japan”. Đây là hai cộng đồng rất lớn trong ngành quản lý TTS tại Nhật, đã chia sẻ rất nhiều nhiều thông tin hữu ích và góc nhìn độc đáo của người làm việc trong ngành này. Một vài điểm nổi bật trong profile của anh Lê Hùng:
-2007-2010: Quản lý TTS nghiệp đoàn Kokusairoken
-2011-2015: Trưởng đại diện tại Nhật công ty Jvnet
-2016: Giám đốc công ty môi giới BĐS Mori House
-2017-2019: Phó giám đốc công ty Ico manpower
-2019 – nay: Trưởng phòng kinh doanh tại công ty 株式会社日本マルコ (chi nhánh Tokyo)
2. ANH LÊ VĂN KHOA
Anh Khoa hiện tại đang giữ vị trí Sales và tìm ứng viên Kỹ sư – Tokuteigino tại Tokyo. Trước đó, anh đã có 2 năm kinh nghiệm phiên dịch cho nghiệp đoàn, là cầu nối hỗ trợ rất nhiều các bạn TTS trong công việc cũng như đời sống hàng ngày.
3. MC HOÀNG NGỌC TRANG
Khác với 2 khách mời dày dặn kinh nghiệm trong nghề quản lý TTS – phiên dịch cho nghiệp đoàn, MC Ngọc Trang hiện đang đảm nhận công việc tư vấn phát triển vùng, địa phương tại Nhật. Chị cũng đã có 5 năm làm công việc biên phiên dịch tự do.
Để khởi đầu năm Tân Sửu 2021, VPJ đã tổ chức sự kiện Ask Me Anything (AMA) về nghề Biên – Phiên Dịch vào ngày 21/3/2021. Đây là một lĩnh vực chưa bao giờ hết hot trong cộng đồng người Việt đi làm tại Nhật, cũng như cộng đồng người học tiếng Nhật tại Việt Nam.
Năng lực ngoại ngữ vốn là một trong những ưu điểm vô cùng lớn của nhân sự nước ngoài trong mắt doanh nghiệp Nhật, hứa hẹn là một kĩ năng được săn đón hơn nữa khi quan hệ thương mại Việt – Nhật đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển của những công nghệ như Google Translate đang đòi hỏi người biên – phiên dịch chuyên nghiệp có cách tiếp cận đa dạng với nghề, và một định hướng rõ ràng hơn để thành công trong thời đại số.
Hiểu tâm tư của các bạn, số AMA lần này hân hạnh đón các khách mời rất có tâm và có tầm trong nghề biên – phiên dịch. Với thâm niên làm việc lâu năm tại Nhật và Việt Nam, các khách mời đã mang đến nhiều chia sẻ bổ ích từ góc nhìn của người trong nghề.
Đây cũng là dịp để các bạn hỏi – đáp trực tiếp về những đề tài như: quá trình phát triển nghề nghiệp của một biên – phiên dịch viên, các khó khăn sẽ gặp phải, những kỹ năng cần thiết khác ngoài trình độ ngoại ngữ siêu việt để thành công, và nhiều đề tài liên quan khác.
Các khách mời của webinar lần này gồm có:
Chị Lưu Phương Anh – Biên – phiên dịch, điều phối viên tự do
Anh Aikawa Haruki – Biên – phiên dịch tự do; giảng dạy biên – phiên dịch
Chị Đoàn Lê Hoài Anh – Nghiên cứu sinh Khoa Ngôn ngữ Khoa học, Đại học Nanzan
MC: Chị Đoàn Lê Hải Ngọc
Thông tin tổng quan về [AMA] Những mảng màu biên – phiên dịch
Thời gian: Ngày 21 tháng 3 năm 2021 (Chủ Nhật) 21:00~23:00
Mở đầu: Giới thiệu chương trình, giới thiệu khách mời
Phần 1: Giới thiệu về ngành
Phần 2: Giao lưu hỏi đáp
Kết thúc: tổng kết webinar và lời nhắn nhủ từ các khách mời
Link video ghi lại sự kiện: https://www.facebook.com/VietProJapan/videos/840816069834095
GIỚI THIỆU KHÁCH MỜI
1. ANH AIKAWA HARUKI
Anh Haruki là người nổi tiếng trong cộng đồng Biên – phiên dịch tại Nhật. Anh đã đảm nhiệm vị trí biên phiên dịch Nhật – Việt trong suốt 17 năm cả trong doanh nghiệp và tự do, đã trải qua rất nhiều loại hình từ phiên dịch dự án tới dịch cabin. Một số vị trí nổi bật anh đã từng đảm nhận:
(2003-2007) Japan Coal Energy Center: Phiên dịch dự án ODA (Chuyển giao công nghệ khai thác than) tại Hokkaido
(2007-2011) G.A Consultant: Phiên dịch và quản lý thực tập sinh tại Osaka
(2011-2014) Làm việc ở một số công ty khác nhau tại Osaka: Các công việc đã làm trong thời gian này: Buyer, Điều phối thương mại, Biên – phiên dịch…
(2015-2019) GROP (Osaka, Okayama): Trưởng phòng phát triển dự án Việt Nam
(Từ 2019 đến nay) Biên – phiên dịch tự do; Giảng dạy biên – phiên dịch
2. CHỊ LƯU PHƯƠNG ANH
Cùng với anh Haruki, chị Phương Anh cũng là một gương mặt vô cùng thân quen trong làng dịch Nhật – Việt. Chị Phương Anh được cộng đồng dịch thuật biết đến với các bài viết, video chia sẻ vô cùng tâm huyết về nghề. Trong 13 năm kinh nghiệm dịch thuật, chị đã từng “chinh chiến” qua nhiều lĩnh vực kể cả những lĩnh vực vốn tương đối khó nhằn với chị em phụ nữ như công nghệ, điện, máy móc…
Một số giai đoạn trong sự nghiệp của chị Phương Anh:
(2002 – 2005) Nhân viên Phòng Quản lý bán hàng – Ban Kinh doanh, Công ty cổ phần EH tại Osaka, Nhật Bản
(2006 – 2007) Nhân viên điều phối hỗ trợ sản xuất chương trình truyền hình, phiên – biên dịch Công ty TNHH Eastern Duo tại Hà Nội, Việt Nam
(2007 đến nay) Biên – phiên dịch, điều phối viên tự do
3. CHỊ ĐOÀN LÊ HOÀI ANH
Chị Hoài Anh xuất thân từ lĩnh vực kinh tế tài chính, sau đó có một thời gian dài làm việc tại Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Trong thời gian công tác tại Đại sứ quán, chị đã tham gia dịch cho các cuộc hội đàm cấp cao, phỏng vấn trên truyền thông; làm điều phối viên trong các sự kiện như Đại nhạc hội Nhật – Việt 2011 và 2018, Đại nhạc hội ASEAN – Nhật Bản 2019 tại Việt Nam, Nhật Bản – ASEAN 2019 tại Nhật Bản… cùng các chương trình giới thiệu về Nhật Bản do VTV sản xuất như Giao lưu Việt – Nhật…
Một số vị trí nổi bật chị đã từng đảm nhận:
(2008 – 2010) Ngân hàng Mizuho Corporate, Ltd. Chi nhánh Hà Nội
(2010 – 2016) Ban văn hóa thông tin và truyền thông, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
(2016 – đến nay) Nghiên cứu sinh Khoa Ngôn ngữ Khoa học, Đại học Nanzan
VPJ đã nghe nhiều bạn sinh viên tâm sự rằng: không biết bản thân đã trau dồi đủ kiến thức và kỹ năng để đi làm hay chưa? Giữa việc bước tiếp trên con đường học vấn và rẽ hướng sang con đường ĐI LÀM, phải chọn gì? Thấu hiểu được những băn khoăn của các bạn, VPJ Kansai đã quyết định thực hiện một chuỗi chương trình hoàn toàn mới mang tên: HỌC LÊN HAY ĐI LÀM?
Đây là chương trình được thực hiện đặc biệt dành cho: những bạn đã hoặc sắp tốt nghiệp trường chuyên môn, đại học, cao học,… đang phân vân không biết lựa chọn học tiếp lên cao hay đi làm ngay sau khi tốt nghiệp?
HỌC LÊN HAY ĐI LÀM? là chuỗi những buổi tọa đàm, nơi những người đi trước mang đến những góc nhìn thực tế, phân tích thuận lợi và khó khăn của cả hai lựa chọn. Tại các buổi trò chuyện HỌC LÊN HAY ĐI LÀM?, bạn có cơ hội được lắng nghe những câu chuyện, những trải nghiệm chân thật nhất trong những ngành nghề khác nhau.
Số đầu tiên của “Học lên hay Đi làm?” được thực hiện với các khách mời đã tốt nghiệp NHÓM NGÀNH KỸ THUẬT, đã được lên sóng vào ngày 9 tháng 1 năm 2021, với 2 vị khách mời chị Huỳnh Ngọc Châu và anh Lê Tiến Hải.
🔖 Chị Huỳnh Ngọc Châu (hay còn gọi là Asami Huynh, Dr. Chau Huynh) hiện đang là Đồng sáng lập viên kiêm Giám đốc công nghệ tại Bizenshidou Inc. (Nhật Bản) và Sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành tại Dr. C Lab Cosmetics (Hoa Kỳ). Sau 9 năm học tập và nghiên cứu chuyên ngành Hóa Học Ứng Dụng tại Viện Công Nghệ Quốc Gia Kyoto Institute of Technology (京都工芸繊維大学) từ bậc đại học đến Thạc sĩ rồi Tiến sĩ, chị Châu đã lấy bằng Tiến sĩ vào năm 2013. Sau khi có học vị Tiến sĩ, chị Châu từng nhận được lời mời làm nghiên cứu từ các tập đoàn mỹ phẩm danh tiếng tại Nhật như Shiseido, Kao… Chị có 6 năm kinh nghiệm làm nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho các tập đoàn mỹ phẩm lớn tại Nhật Bản và Hoa Kỳ (trong đó 3 năm tại Nhật Bản, 2 năm tại New York và 1 năm tại California), trước khi chuyên tâm vào các đứa con tinh thần hiện tại của chị.
Ngoài các thành tích đáng nể trong học vấn và sự nghiệp, chị Châu còn từng thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng khi còn là sinh viên. Trong cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, chị được biết đến như Cựu chủ tịch Hội Thanh niên Sinh Viên Việt Nam (VYSA) tại Kyoto (2009-2011) cũng như Cựu phó chủ tịch VYSA toàn quốc. Chị còn là Đại sứ danh sự Phủ Kyoto trong việc xúc tiến quan hệ giao lưu Nhật – Việt từ năm 2005 và có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động giao lưu văn hóa & ngoại giao giữa hai nước (Thông dịch viên khi Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết và Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang sang thăm Nhật Bản, giảng viên cho các lớp học ngôn ngữ, văn hóa tại Nhật dành cho người Nhật.)
🔖 Cùng với chị Châu – khách mời đại diện của con đường học lên trước khi đi làm, chương trình còn có một khách mời là anh Lê Tiến Hải, hiện đang là Kỹ sư bộ phận Kế hoạch quản lý và Phát triển sản phẩm mới tại Panasonic Appliance, người đã dấn thân vào con đường sự nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành mình yêu thích.
Anh Hải đã lên đường sang Nhật Bản sau khi tốt nghiệp phổ thông Trung học tại Việt Nam theo chương trình Nhật Ngữ Đông Du, một chương trình du học tư phí có tiếng trong cộng đồng người Việt đã đào tạo ra không ít những tấm gương lập thân thành công trên đất nước Nhật. Sau 2 năm học tiếng Nhật và 5 năm học chuyên môn Kỹ thuật tại National Institute of Technology (KOSEN), Nagaoka College tại tỉnh Niigata, anh Hải đã vào làm tại công ty Panasonic Appliance từ năm 2017 đến nay.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình học tập và làm việc tại Nhật Bản, anh Hải cũng luôn dành thời gian tham gia tích cực vào các hoạt động giao lưu văn hoá Việt Nhật cũng như hoạt động của chương trình Đông Du.
Trong buổi giao lưu ngày 9 tháng 1 vừa qua, chị Châu và anh Hải cũng đã đưa ra những lời khuyên để định hướng tốt hơn trước khi đưa ra quyết định. Với chỉ 1.5 tiếng ngắn ngủi, hai vị khách mời đã trải lòng câu chuyện của bản thân khi lựa chọn giữa học lên và đi làm. Hy vọng những băn khoăn của các bạn đều được giải đáp qua những chia sẻ bổ ích từ hai khách mời.
Cuối cùng, VPJ xin trích lời nhắn của chị Huỳnh Ngọc Châu ở cuối chương trình, chúc các bạn đang băn khoăn giữa 2 ngã rẽ học lên hay đi làm, sẽ tìm được câu trả lời cho chính bản thân mình.