
Bổ ích, thú vị, vui vẻ là ba trong số những ngôn từ có đủ sức mạnh để diễn tả những ký ức còn đọng lại trong lòng những người tham gia và các khách mời cùng đội ngũ ban tổ chức sau sự kiện “VPJ The Debaters” vừa qua.
Chương trình được tổ chức tại Tầng 3, Social Space Akasaka vào ngày 10/12/2022 đã đem đến cho những người tham gia nhiều góc nhìn đa chiều về phát triển sự nghiệp tại Nhật Bản, thông qua hình thức tranh biện giữa 4 vị khách mời giàu kinh nghiệm.
Trong khuôn khổ của sự kiện, người tham gia được làm quen với 4 vị khách mời, nghe những chia sẻ vô cùng chân thực, những đánh giá khách quan của họ về chuyện “chọn việc như thế nào”, “làm việc ở đâu” và “chuyển việc ra làm sao”.
Chị Đặng Hoàng Phượng, Vice President tại Asia Growing Markets Department, Sumitomo Mitsui Bank Corporation, chia sẻ bí quyết cân bằng cuộc sống và công việc dưới tư cách một người mẹ có 2 con nhỏ, là đến từ tình yêu: “Đầu tiên là tình yêu gia đình, tình yêu con cái. Chị muốn thể hiện cho con thấy rằng mẹ mình cũng có có ước mơ, đam mê riêng và sẵn sàng lăn xả phát triển sự nghiệp riêng ngoài xã hội để từ đó con hiểu rằng bản thân cũng cần có cho mình ước mơ riêng và sẵn sàng theo đuổi nó. Thứ hai chính là tình yêu với công việc. Đi làm sẽ có rất nhiều áp lực và khó khăn nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể coi đây là động lực để tiến bộ hơn và tạo nên sự ý nghĩa cho cuộc sống của mình.”.
Trong khi đó, khách mời Vũ Nhật Minh (Software Engineer tại Stripe, Inc.) lại dí dỏm tự nhận là một “ông hoàng FOMO” (Fear of missing out), “chiến thần đu đỉnh” khi luôn không ngừng tìm kiếm cơ hội cho mình ở nhiều môi trường làm việc khác nhau, với các công ty khác nhau. Anh cho rằng “Mỗi bước nhảy (việc) với mình là 1 lần FOMO. Mình được tiếp xúc với những con người mới, và tự nhiên sẽ nhìn ra bước nhảy tiếp theo của mình nên tới đâu. Phải liên tục tự thử thách bản thân để đi lên cao hơn, phát triển hơn.”
Công ty nhật hay công ty nước ngoài – đâu là sự lựa chọn phù hợp?
Sau màn giới thiệu về bản thân của các khách mời, chương trình VPJ The Debaters chính thức “khởi động” với màn tranh luận đầu tiên về chủ đề là “Công ty Nhật” với “Công ty nước ngoài”. Bốn khách mời được chia ra làm 2 đội: “công ty Nhật” với sự góp mặt của chị Đặng Hoàng Phượng và anh Nguyễn Vũ Thanh Tùng và Đội “công ty nước ngoài” với sự góp mặt của anh Nguyễn Đông Dũng và anh Vũ Nhật Minh. Mỗi đội sẽ có 5 phút để chứng minh quan điểm của mình rằng đội công ty của mình có những thế mạnh gì, và sau đó sẽ là 7 phút phản biện đặt câu hỏi của đội còn lại.
Không khí khán phòng nóng dần lên theo từng phút khi các đội đều đưa ra những luận điểm, luận cứ chặt chẽ để bảo vệ cho đội của mình. Chị Phượng, với kinh nghiệm 11 năm chưa từng đổi nơi làm việc, cho rằng công ty Nhật giống như một trường Đại học, với vô vàn các khóa học và chế độ đào tạo kể cả cho những người làm trái ngành cũng có thể theo đuổi để nâng cao trình độ. Ngoài ra, chị cũng nhấn mạnh rằng công ty Nhật thường có tính ổn định cao với hình thức “tuyển dụng suốt đời”, có thể đảm bảo được công việc ngay cả trong làn sóng sa thải ở trên toàn thế giới. Hơn nữa, có rất nhiều đãi ngộ nếu làm việc tại công ty Nhật như chi phí nhà ở, đi lại, ăn uống hay những sự kiện lớn trong cuộc đời của nhân viên như sinh em bé hay mua nhà.
Nhận được câu hỏi về sự nhàm chán, thiếu mới mẻ, không đủ thú vị của công ty Nhật, chị phản đối rằng công ty Nhật luân chuyển giữa các phòng ban, người làm việc sẽ luôn bị đặt vào trạng thái phải học hỏi không ngừng từ sách vở, những người xung quanh, hay xu hướng thế giới. Đánh đổi sẽ là công sức và thời gian, nhưng chị cho biết đây là sự đánh đổi xứng đáng khi giá trị bản thân sẽ ngày càng được nâng cao. Chị cũng thừa nhận sự thật rằng, người nước ngoài nghỉ việc và chuyển việc khi họ không thể chịu đựng môi trường làm việc áp lực cao của Nhật. Về quan điểm làm việc ở công ty Nhật không được đưa ra ý kiến cá nhân, chị thấy công ty Nhật bây giờ đã thay đổi và khuyến khích nhân viên đưa ra quan điểm của mình, tuy nhiên cần phù hợp hoàn cảnh và cách nói chuyện.
Anh Tùng, Chief Data Officer tại H2 Corporation, lại nhìn ở khía cạnh người Việt đang sinh sống tại nước ngoài, nếu đã cất công bỏ sức đến Nhật, thì tại sao lại bỏ phí cơ hội để làm việc và học hỏi văn hoá nơi đây. Anh cũng cho rằng môi trường Nhật Bản đang dần trở nên thoáng hơn, mở ra nhiều hướng phát triển cho mọi người, tuy nhiên tốc độ phát triển có thể hơi chậm so với các thị trường như Mỹ, Anh,…
Bên phía đội “Công ty nước ngoài”, anh Nguyễn Đông Dũng, Program Director tại FPT Manufacturing DX, đưa ra luận điểm dựa trên kinh nghiệm của bản thân khi đã từng làm cho cả 2 loại công ty rằng công ty nước ngoài có lợi thế rất lớn về mặt tài chính. Tuy không có nhiều phúc lợi như phía công ty Nhật, các công ty nước ngoài thường sẽ trả bạn một khoản tiền lương rất lớn. Ngoài ra, công ty nước ngoài thường không có chế độ đào tạo từ đầu như công ty Nhật, nhưng với anh đây lại là điểm mạnh để người đi làm nâng cao giá trị bản thân, thử sức với những khó khăn cũng như sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn nếu tự mình vượt qua được khó khăn.
Với câu hỏi rằng môi trường công ty nước ngoài có sự phân hoá mạnh mẽ của cá nhân hơn tập thể, anh Dũng cho biết rằng năng suất làm việc là thứ được đánh giá cao nhất tại công ty nước ngoài. Chính vì vậy, để đạt được kết quả tốt khi làm việc, các thành viên trong một team sẽ đều đồng lòng và cố gắng, trao đổi và tìm hiểu nhau hơn vì mục đích chung. Anh Minh bổ sung rằng ở vị trí của người nước ngoài, anh cảm thấy rằng làm việc bằng tiếng Anh thoải mái hơn tiếng Nhật, môi trường công ty nước ngoài cũng năng động và thoải mái hơn môi trường làm việc truyền thống của các công ty Nhật.
Đối với sự phản biện về việc làm việc ở công ty nước ngoài thiếu tính ổn định, trong tình hình cạnh tranh và bấp bênh của thế giới hiện tại thì vô cùng rủi ro, anh Minh thẳng thắn thừa nhận đây là điều không thể tránh khỏi, và kỹ năng quản lý rủi ro là vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc bị layoff (sa thải/buộc thôi việc) ở công ty nước ngoài không bị coi như một vết nhơ. Khi được hỏi về văn hoá công ty nước ngoài khó thâm nhập vào thị trường Nhật, khiến người làm việc ở đây sẽ thiếu kết nối với xã hội và bỏ lỡ sự thú vị khi văn hoá nơi đây, anh cho rằng sức mạnh của công ty nước ngoài nằm ở sự đa dạng văn hoá sắc tộc của nó. Góc nhìn ở người nước ngoài cùng với người Nhật sẽ đem đến sự phát triển cho công ty khi mọi người bất đồng và thoả hiệp với nhau để cùng đạt được mục tiêu cuối cùng. Tuy nhiên, đôi công ty nước ngoài đồng ý với ý kiến của anh Tùng rằng công ty nước ngoài thường có trụ sở ở nước ngoài, nên cơ hội thăng tiến nghề nghiệp ở chi nhánh Nhật Bản sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Công ty lớn hay công ty nhỏ – môi trường nào sẽ mang nhiều cơ hội phát triển?
Khép lại phần tranh biện đầu tiên, chương trình chuyển sang phần thứ hai mang tên “Công ty vừa và nhỏ” hay “Công ty, tập đoàn lớn”. Lần này, đội của 2 bên đã có sự thay đổi với anh Nguyễn Vũ Thanh Tùng và anh Vũ Nhật Minh bảo vệ luận điểm làm việc ở công ty vừa và nhỏ còn chị Đặng Hoàng Phượng và anh Nguyễn Đông Dũng bảo vệ luận điểm làm việc ở công ty, tập đoàn lớn.
Trong phần biện luận của đội mình, anh Minh thuyết phục rằng công ty vừa và nhỏ có thể mang theo rủi ro cao, nhưng tương đương với đó chính là lợi nhuận cao. Làm việc cho công ty vừa và nhỏ như những startup hoàn toàn có thể trở thành một “cơ hội đổi đời”. Nếu muốn được hưởng một phần lợi nhuận từ những gì công ty lớn đạt được, người làm việc phải đạt đến một trình độ và chức vụ nhất định. Tuy nhiên, đối với công ty nhỏ, sự giới hạn trong mặt nhân sự của nó chính là một cơ hội để bạn được hưởng thành quả mà công ty tạo ra một cách trực tiếp thông qua cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc nếu công ty càng phát triển, thì giá trị lợi nhuận mà cổ đông/nhân viên trong công ty nhận được sẽ càng tăng cao. Tuy nhiên, anh cũng khuyến cáo không nên chỉ nhìn vào mặt tốt mà luôn phải cẩn trọng cân nhắc, vì không phải môi trường startup/khởi nghiệp nào cũng có thể tồn tại được lâu.
Bổ sung cho đội mình, anh Tùng cho biết so với việc chỉ tập trung vào phần chuyên môn khi làm ở các công ty lớn, cơ hội học hỏi ở môi trường khởi nghiệp của công ty vừa và nhỏ sẽ mở rộng hơn, vì các thành viên cần đảm nhận nhiều tác vụ và phụ trách nhiều mảng hơn. Điều này sẽ giúp nhân viên có cơ hội phát triển toàn diện hơn về nhiều mặt như: vừa phát triển nghiệp vụ chuyên môn, vừa nâng cao kỹ năng quản lý và kinh nghiệm làm việc với khách hàng.
Ngoài ra, anh Tùng cảm thấy hệ sinh thái của Nhật đang phát triển và cởi mở hơn những năm gần đây, gần tiệm cận với các hệ sinh thái như Mỹ, Âu. Nhờ điều này, các công ty vừa và nhỏ có thể gọi vốn một cách thuận lợi hơn kể cả khi không có sản phẩm có độ cạnh tranh/phủ sóng cao.
Kết luận của đội công ty vừa và nhỏ đưa ra chính là môi trường này rất phù hợp với những bạn có khả năng làm việc đa nhiệm, thông thạo nhiều kĩ năng, và luôn trau dồi bản thân ở nhiều khía cạnh. Anh Minh cũng cho biết rằng khi làm việc ở các công ty vừa và nhỏ với môi trường hẹp hơn thì khả năng mở rộng mối quan hệ với những nhân vật có chức vụ quan trọng trong công ty cũng được cải thiện và trở nên dễ dàng hơn so với môi trường còn lại.
Khi đội công ty lớn đặt câu hỏi rằng rủi ro của việc làm ở những công ty nhỏ, nắm giữ chức vụ cao nhưng nếu chuyển sang công ty khác, khả năng bắt đầu từ chức vụ thấp hơn là điều không tránh khỏi, anh Tùng đưa ra câu trả lời rằng bản thân đã trải qua việc được mời gọi từ nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau nhưng bản thân anh đã tính toán kỹ các lựa chọn cùng hoạch định rủi ro để có thể đưa ra quyết định. Anh chia sẻ chính mình đã có kế hoạch từ trước về việc tạo dựng một startup của riêng mình, nhưng anh cũng ý thức được độ dũng cảm và nhiệt huyết để đương đầu với rủi ro của bản thân sẽ giảm đi tỉ lệ thuận với độ tuổi. Khi còn trẻ, ta có ít thứ để mất hơn, chính vì thế anh động viên các bạn trẻ hãy mạnh dạn bước theo con đường mà mình đam mê trước khi cơ hội để thử thách bản thân hẹp lại.
Về anh Minh, khi nhận được câu hỏi rằng không phải startup nào cũng có thể hoá “kỳ lân”, nên việc lựa chọn công ty như vậy không mang tính ổn định, và cần đánh đổi nhiều, anh bật mí rằng làm việc ở công ty vừa và nhỏ có 2 dạng. Một là muốn công ty trở thành một startup kỳ lân, và hai là mong công ty phát triển vừa phải nhưng ổn định. Bản thân anh đã từng là người đi theo con đường thứ 2, tuy nhiên khi nhận ra được thời gian công sức mà mình bỏ ra đang “lỗ” thì nên thay đổi. Anh cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ muốn đi theo con đường như anh rằng quan trọng là cần chọn người leader, sếp và người thành lập công ty tiềm năng.
Chuyển sang đội bảo vệ luận điểm làm việc ở công ty, tập đoàn lớn, chị Phượng cảm thấy bỏ qua các yếu tố rõ ràng về mặt lương bổng, phúc lợi và đãi ngộ ổn định đầy đủ của những công ty này, thì công ty lớn còn có điểm mạnh là nguồn lực dồi dào. Theo chị, người làm việc hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực phong phú của công ty lớn để phát huy đam mê và điểm mạnh của bản thân. Nguồn lực của công ty trải dài đa dạng từ tiền bạc, thông tin, kiến thức đã có cho đến con người. Nếu bạn có đủ thực lực, đam mê và chứng minh được nguyện vọng phù hợp với mục tiêu của công ty, thì công ty lớn sẽ sẵn sàng đầu tư để bạn được thử sức và trải nghiệm. Hơn thế nữa, công ty lớn sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho nhân viên đến từ việc đào tạo tại nước ngoài, làm việc tại chi nhánh khác, chuyển đổi các bộ phận ban ngành. Chị nhấn mạnh đây chính là bệ phóng để bản thân tạo giá trị, chứng minh chính mình để sau này thuận lợi làm được những gì mình mong muốn. Chị còn cho biết rằng mối quan hệ đồng nghiệp cũng là một khía cạnh đáng được nhìn nhận. Nếu ở công ty nhỏ và gặp xích mích giữa đồng nghiệp với nhau hay cấp trên với cấp dưới, cách duy nhất để giải quyết là nghỉ việc, chuyển công ty, thì ở công ty lớn, mọi chuyện sẽ dễ dàng được giải quyết hơn khi chỉ cần chuyển đổi bộ phận khác, làm cùng nhóm khác. Tức là những việc ngoài chuyên môn làm người ta phải đau đầu như mối quan hệ giữa con người với con người hoàn toàn có thể được kiểm soát.
Anh Dũng cũng cảm thấy khi làm việc ở công ty lớn, chính thương hiệu của công ty cũng giúp cho nhân viên có được sự tin tưởng và uy tín, nhận được thiện cảm đầu tiên nhanh chóng hơn khi tham gia các hoạt động ngoài xã hội. Đối với quyết định của công ty lớn sẽ mất thời gian hơn khi cần thông qua nhiều phòng ban trước khi quyết định được đưa ra, có thể gây hại đến cơ hội của công ty, anh Minh đồng tình rằng với thời đại phát triển nhanh chóng mặt như hiện nay thì sản phẩm của các công ty nhỏ thường chiến thắng công ty lớn ở tốc độ. Tuy nhiên, anh Dũng lại phản đối với luận điểm rằng công ty lớn có lối suy nghĩ bành trướng sẽ thường đưa ra những quyết định nhanh vì họ hướng tới việc mở rộng kinh doanh. Trong khi đó, chị Phượng lại cảm thấy việc tốn thời gian để đưa ra quyết định sẽ dẫn đến quyết định được cân nhắc chắc chắn và cẩn thận hơn, và đây là điều không thể tránh khỏi khi độ ảnh hưởng của các quyết định của những công ty này ở quy mô nhân sự lớn hơn. Anh chị kết luận rằng các quyết định có thể mang tính cách mạng cho doanh nghiệp cần được nhìn nhận, nghiên cứu một cách nghiêm túc và việc mất thời gian là điều dễ hiểu.
Sôi nổi với phần tương tác cùng khán giả
Đi qua phần tranh luận và biện luận “bùng cháy” đến từ 4 vị khách mời “lão luyện”, chương trình chuyển sang phần tương tác cùng khán giả với gần 30 câu hỏi được đặt ra liên tục trong hội trường đủ để chứng minh sức nóng và sự quan tâm của những người tham gia với chủ đề này. Tuy nhiên do thời lượng chương trình là có hạn, nên chỉ có một vài câu hỏi tiêu biểu được gửi đến khách mời.
Trên con đường nắm giữ được chức vụ quan trọng của mình, chị Phượng cho biết đầu tiên cần làm tốt công việc của bản thân rồi sau đó mới tìm đến những mối quan hệ xung quanh hay sử dụng các kĩ năng khác. Việc mỗi người tìm được điểm mạnh của mình, và chứng minh cho những người xung quanh công nhận sẽ là nền tảng vững chắc cho bản thân sự tự tin và từ đó có thể tiến xa hơn. Điều còn lại là phụ thuộc vào các kỹ năng khác cùng khả năng kết nối con người. Đối với công việc hiện tại của chị, để hoàn thành một dự án lớn, cần phải vận dụng sự hợp tác từ nhiều con người và các bộ phận khác nhau. Do đó, việc xây dựng mạng lưới quan hệ tốt là điều rất quan trọng, để khi cần có thể vận dụng được các mối quan hệ đấy cho việc thực hiện trong dự án/mong muốn của mình.
Thông qua câu chuyện thực tế của bản thân khi tiếp xúc với các khách hàng, chị đúc kết thay vì cố gắng bằng mọi giá để đuổi theo KPI cá nhân, hãy làm việc xuất phát từ cái tâm và tích cực của bản thân để giúp đỡ khách hàng đạt được yêu cầu mong muốn. Khi đó, công sức bản thân bỏ ra sẽ được trân trọng, công việc sẽ ngày càng suôn sẻ và may mắn. Chị đã thành công áp dụng điều này dù có điểm yếu là một người phụ nữ nước ngoài. Chị cũng khuyên các bạn trẻ không nên lo lắng và bỏ thời gian cho điểm yếu của mình mà nên tập trung vào điểm mạnh của bản thân, hoặc khéo léo chuyển hoá điểm yếu thành điểm mạnh. Và rồi một ngày, những khó khăn, nỗ lực và cống hiến của mình sẽ được đền đáp xứng đáng. Chị Phượng động viên mọi người không nên ở thế bị động chờ cơ hội tự tìm đến mình mà hãy chủ động tìm kiếm, khẳng định giá trị bản thân, thể hiện mình cho người khác biết, bộc lộ khát khao phát triển và cầu tiến. Có năng lực và thể hiện bản thân phù hợp sẽ là cách để người khác nhìn thấy, công nhận và cho bạn cơ hội để tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Chia sẻ về bí quyết kiểm soát cũng như chuẩn bị tài chính trước khi vào công ty hiện tại, anh Tùng cho biết anh một mặt đầu tư tiền để có thêm thu nhập, một mặt tiết kiệm và lập kế hoạch chi tiết để quản lý rủi ro. Tuy nhiên anh cũng nhấn mạnh rằng cần để ý đến thời cơ và nắm bắt ngay cả khi chuẩn bị chưa đủ kỹ lưỡng, nên chấp nhận mạo hiểm. Có rất nhiều rủi ro để theo đuổi startup, tuy nhiên quan trọng là mình cố gắng hết sức để giảm thiểu rủi ro đó.
Là một người đã từng trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, anh Dũng nêu lên quan điểm của mình về quan hệ cấp trên và cấp dưới ở những môi trường này không giống nhau phụ thuộc vào văn hoá của công ty. Anh cảm thấy công ty Nhật truyền thống chú trọng việc bản thân làm tốt công việc của mình, người làm việc cần thể hiện sự nhiệt huyết, không vụ lợi, không màng xung quanh, chỉ tập trung làm tốt những gì mình được giao. Chính vì thế, các đồng nghiệp trong công ty dễ có khả năng ganh đua lẫn nhau trong công việc.
Trong khi đó, môi trường công ty nước ngoài sẽ đề cao tính cá nhân, sự tham vọng và cầu tiến. Người làm việc trong môi trường này cần có tầm nhìn xa và sự để tâm đến môi trường xung quanh hơn chỉ tập trung vào công việc của mình, để có thể thăng tiến. Môi trường công ty Việt Nam tại Nhật thì đơn giản hơn khi chỉ cần chứng minh được bản thân có năng lực là sẽ có khả năng thăng tiến, không quan trọng người làm việc có đưa ra những ý kiến trái chiều với cấp trên hay không thì nếu tạo ra lợi nhuận, người làm vẫn sẽ được đánh giá cao. Anh đưa ra lời khuyên rằng để thâm nhập vào môi trường làm việc, mỗi người cần cân nhắc nhiều khía cạnh về văn hoá đồng nghiệp, văn hoá công ty và thị trường phát triển tại nơi đó.
Nhận được câu hỏi về việc làm thế nào để chọn công ty vừa và nhỏ sao cho bản thân có thể tiếp cận nhiều cơ hội lớn, anh Minh thẳng thắn chia sẻ rằng bản thân vào 3 công ty khác nhau đến từ các tình huống khác nhau. Tuy nhiên, có một số điều mà người đi làm cần để tâm trước khi chọn công ty là lương bổng, thứ hạng và cuối cùng là tầm nhìn của ban lãnh đạo công ty..
Chương trình “VPJ The Debaters: Chọn tập đoàn lớn hay công ty vừa và nhỏ – Định hướng sự nghiệp của bạn là gì?” khép lại với khoảng thời gian thư giãn chuyện trò giao lưu giữa các khách mời và người tham gia. Niềm vui rạng rỡ trên gương mặt, những cái bắt tay thật chặt đầy ý nghĩa cùng những đóng góp chân thành của những người tham gia chương trình là những lời động viên to lớn để Ban tổ chức chương trình, Vietnamese Professional in Japan cố gắng hơn nữa trong những sự kiện vì cộng đồng khác trong tương lai.
Một lần nữa, Ban tổ chức sự kiện xin được gửi lời cảm ơn chân thành vì những sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các bạn đến chương trình và hẹn gặp lại các bạn trong những hoạt động tiếp theo của Vietnamese Professional in Japan với những cảm xúc tuyệt vời và nhiều bất ngờ thú vị hơn!
Linh Mai